(GD&TĐ) - Sáng ngày 8/4/2011 tại tỉnh Phú Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ 2 năm học 2010 -2011 vùng thi đua số 4 gồm 10 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Hội nghị thẳng thắn đánh giá những thành quả đạt được.
Trong học kỳ I vừa qua, các hoạt động dạy và học, phong trào thi đua được các tỉnh trong khu vực triển khai tích cực và có hiệu quả. Đáng chú ý, phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được các địa phương tổ chức đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức như: sưu tầm các làn điệu dân ca, hò vè, hát đồng giao đưa vào trường học; việc bảo tồn và phát huy các công trình văn hóa, lịch sử; việc rèn luyện lỹ năng số cho học sinh. Các đơn vị còn kết hợp với các phong trào khác của địa phương như "xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư",... để đưa vào tiêu chuẩn thi đua, làm cho phong trào được phát triển sâu rộng.
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ghi nhận những nỗ lực của 10 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên trong việc nâng cao hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phương pháp giảng dạy; công tác phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi,..... Đáng chú ý, tình trạng học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học 2010- 2011 đã giảm ở các tỉnh, cao nhất là ở cấp Trung học phổ thông với 6.012 học sinh của tòan khu vực bỏ học, chiếm tỷ lệ 1,3%, giảm 0,6% so với năm học trước. Nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức khảo sát, phân loại học sinh ngay từ đầu năm học để tiến hành phụ đạo cho đối tượng học sinh yếu.
Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, các tỉnh nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Bộ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: "Việc duy trì sĩ số học sinh đối với vùng Tây nguyên, nhất là học sinh dân tộc là hết sức vất vả. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, các em phải đi làm rẫy. Thêm vào đó, động cơ học tập của các em chưa rõ ràng. Ngoài ra, việc triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi với yêu cầu hoàn thành vào năm 2015 là vô cùng khó khăn vì điều kiện đi lại giữa các vùng hết sức hạn chế, bên cạnh đó là đi kèm về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...."
Quang cảnh hội nghị |
Bàn về vấn đề kinh phí và con người trong việc phân cấp giao quyền ở cấp huyện cũng là chủ đề được đại biểu lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh phát biểu sôi nổi. Ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên cho rằng: "Với yêu cầu chúng tôi phải nâng cao chất lượng chuyên môn trong khi đó việc tuyển dụng nhân sự, kinh phí hoạt động tài chính ngoài tầm tay với là điều hết sức bất hợp lý. Chuyện Phòng Nội vụ của một huyện đã bác bỏ Quyết định điều động giáo viên của Trưởng Phòng GD&ĐT huyện vì cho rằng không đúng thẩm quyền là việc làm trái khóay nhưng vẫn cứ diễn ra".
Mặt khác, việc giải quyết chế độ thâm niên và phụ cấp cho cán bộ giáo viên; việc hỗ trợ nhiều hơn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non; Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học ...... là những vấn đề được các địa phương kiến nghị mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý đã đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh khu vực thi đua số 4 đã trãi qua những khó khăn do thiên tai, bão lũ đi qua để thi đua dạy tốt - học tốt; sự sáng tạo trong việc triển khai phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực",....
Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp, đồng thời đề nghị các tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hòan thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, việc thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; việc tăng cường học tiếng Việt cho học sinh dân tộc, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp đến.
Thanh Hoàng