Điều đáng nói, quá trình điều tra cũng như phiên tòa và bản án được tuyên có khá nhiều điểm khuất tất, có dấu hiệu vi phạm luật tố tụng.
Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cưỡng đoạt tài sản” mà bị cáo là Nguyễn Vũ Hoàng Oanh, nguyên là giảng viên chuyên ngành Luật Trường ĐH LĐ&XH, có tới hàng chục điểm có dấu hiệu Tòa sơ thẩm quận Hai Bà Trưng và Tòa phúc thẩm TP Hà Nội làm trái Luật Tố tụng hình sự.
Đó là, việc thụ lý hồ sơ từ Tòa sơ thẩm chậm 17 ngày (điều 237: Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng nghị cho Tòa phúc thẩm trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày hết hạn kháng cáo). Việc mở phiên tòa phúc thẩm sau khi thụ lý hồ sơ vụ án kéo dài đến 5 tháng 11 ngày, trong khi điều 242 quy định “Tòa án nhân dân cấp tỉnh mở phiên phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án”.
Theo Luật, Tòa phúc thẩm mở để giải quyết đơn kháng cáo nhưng bị cáo Oanh có kháng cáo hợp lệ lại bị tuyên án vắng mặt, trong khi một bị cáo khác liên quan có kháng cáo không hợp lệ (nộp chậm) vẫn được xét xử.
Tòa phúc thẩm cũng bỏ qua mục “người làm chứng” mà trong vụ án này cần thiết phải có. Theo Cáo trạng số 181/CT/VKS-HS ngày 1/4/2012 của Viện KSND quận Hai Bà Trưng, chiếc xe tang vật vụ án do Công ty Cổ phần Thiết kế xây dựng và vận tải Đông Hà Nội quản lý, tuy nhiên, đơn vị này không hề có ý kiến gì đối với chiếc xe này. Cáo trạng cũng không thể hiện phần “người bị hại” là hai đơn vị kể trên. Như vậy tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Oanh không có người bị hại thì không thể kết tội. Tương tự như vậy là tội danh “cưỡng đoạt tài sản” cũng không có người bị hại.
Giống với phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm diễn ra chỉ duy nhất có một bị cáo Trần Mạnh Thắng, còn bị cáo Nguyễn Vũ Hoàng Oanh và toàn bộ người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự cũng như luật sư bào chữa đều vắng mặt; vi phạm Điều 184 về xét xử trực tiếp của Luật Tố tụng.
Ngoài ra, những nội dung kháng cáo mà lẽ ra phiên tòa phúc thẩm phải làm rõ cũng không được xem xét. Bản án phúc thẩm sao nguyên bản án sơ thẩm từ dấu chấm, dấu phẩy đến lỗi sai họ của người bị hại Nguyễn (đúng là Trần) Văn Tần. Trong bản án phúc thẩm, có nhắc đến việc bị cáo Oanh vắng mặt tại tòa không có lý do chính đáng mặc dù Tòa đã triệu tập hợp pháp nhiều lần (5 lần).
Tuy nhiên, có bốn lần giấy triệu tập được nhân viên Thừa phát lại chuyển đến tay bị cáo chưa đến 15 ngày (Điều 242: Chậm nhất mười lăm ngày trước ngày mở phiên tòa, Tòa án phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian địa điểm xét xử). Riêng lần thứ năm thì thời hạn mở lại phiên tòa là 75 ngày sau lần hoãn gần nhất (Điều 245, thời hạn hoãn phiên tòa không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa).
Một sai phạm nữa là bản án phúc thẩm đã không trình bày quá trình phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội (Điều 224). Hơn nữa, ngoài tất cả chứng cứ, lời khai của bị cáo Oanh, bị hại, nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tòa phúc thẩm căn cứ cáo trạng từ phiên tòa sơ thẩm (tất cả đều trích lục từ cơ quan điều tra chứ không có đối chứng, xét hỏi tại Tòa), lời khai của bị cáo Thắng cũng không được thể hiện trong bản án. Trong khi đó, trong đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, Trần Mạnh Thắng khẳng định biên bản phiên tòa bị cáo không được nghe, không được ký tên…
Trước những khuất tất đó, trong đơn kêu cứu khẩn thiết gửi tới Tòa án cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội và nhiều cơ quan chức năng khác, bà Nguyễn Vũ Hoàng Oanh đề nghị được xét xử trong một phiên tòa công bằng, công tâm, minh bạch, đúng pháp luật, nhưng đều chưa có phản hồi. Điều đáng nói là, đã nhiều lần bà Oanh kiến nghị lên Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án của bà, nhưng cũng chưa được trả lời. Tương tự, các khuất tất trong vụ án này, chúng tôi đã chuyển câu hỏi đến Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng và Viện KSND Hà Nội, nhưng không được hồi âm.