Ông Nghĩa cho biết, Trung tâm đã tiến hành khảo sát thử hơn 200 học sinh lớp 12, kết quả có đến 94,6 % các em đồng tình phương án 1, tức là chỉ nên thi tốt nghiệp 4 bộ môn.
Trong đó, 2 môn Ngữ văn và Toán là môn bắt buộc, còn lại là 2 môn tự chọn do thí sinh đăng ký trong 5 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Môn Ngoại ngữ nên áp dụng là môn cộng điểm khuyến khích để xét tốt nghiệp.
Về việc xét miễn thi tốt nghiệp dự kiến mỗi tỉnh, thành tối đa là 20% học sinh lớp 12, ông Nghĩa cho rằng: Chúng tôi hiểu các tỉnh, thành phố Vùng 1- các thành phố trực thuộc Trung ương và vùng đồng bằng sông Hồng có thể sử dụng xét đến con số tối đa này.
Trong từng tỉnh, thành phố, học sinh khối trường chuyên, trường trọng điểm chất lượng cao có thể xét miễn thi tốt nghiệp từ 30 đến 75 %, học sinh học chương trình THPT trong các TTGDTX và các trường THPT có thể xét miễn thi trong khoảng từ 10 - 20% theo đánh giá thẩm định của Hội đồng xét miễn thi tốt nghiệp của tỉnh, thành phố...
Để việc xét miễn thi tốt nghiệp và kết hợp giữa kết quả học tập năm học cuối cấp THPT với kết quả các môn thi để xét tốt nghiệp cho học sinh trong khoảng 80% thí sinh còn lại được khách quan, công bằng, tránh nảy sinh các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra, rồi mức độ “lỏng, chặt” khi kiểm tra đánh giá ở từng trường có thể khác nhau... ông Nguyễn Trọng Nghĩa kiến nghị khảo thí và kiểm định ở 2 cấp Bộ và Tỉnh ngay sau khi thực hiện chương trình mới dự kiến vào năm 2015.
Đồng thời, phải xây dựng được ngân hàng đề thi và kiểm tra áp dụng cho 4 giai đoạn của năm học ở mỗi cấp lớp (giữa học kỳ I, giữa học kỳ II, kết thúc học kỳ I, học kỳ II). Các cơ sở giáo dục có thể căn cứ vào ngân hàng dữ liệu đề thi để khai thác sử dụng.
Tiến hành định kỳ kiểm tra, đánh giá xác suất một tỉ lệ ngẫu nhiên nhất định về độ chính xác trong việc xếp loại, phân loại học lực của học sinh ở từng trường.
“Theo chúng tôi, nếu đạt tỉ lệ xác thực từ 75% trở lên như mức độ đánh giá ở cơ sở là tin cậy được. Mức độ xác thực cao hơn 75% độ tin cậy càng lớn và nếu được xác lập nhiều năm liên tục thì chỉ số đó cũng nói lên việc dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu ở từng cơ sở giáo dục” - Ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, để kỳ thi tốt nghiệp thực sự giảm bớt áp lực và tiết kiệm, hiệu quả, ngoài việc giảm bớt môn thi, xét miễn thi và căn cứ kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp, ngay từ năm học này, kỳ thi tốt nghiệp nên giao cho các cơ sở thực hiện chương trình giáo dục THPT tổ chức từ khâu coi thi, chấm thi đến xét duyệt kết quả ban đầu.
Đề thi có thể vẫn là đề thi chung thống nhất toàn quốc như hiện nay hoặc từng Sở GD&ĐT ra đề tùy theo sự phân cấp trong Quy chế. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan tiến hành một cách bình thường.
Sau khi có kết quả chấm thi và kết quả xét duyệt ban đầu của Hội đồng cơ sở, Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ duyệt và ký cấp bằng tốt nghiệp như quy định.