(GD&TĐ) - Tối ngày 14/11, Hội đồng dân tộc của Quốc hội phối hợp với tổ chức Unicef và Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc tọa đàm "Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các giải pháp tăng cường Tiếng Việt trong đó có giải pháp giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ".
Tham dự cuộc tọa đàm có bà Triệu Thị Nái, phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Tiến sĩ Jean Dupra, Quyền trưởng Đại diện Unicef Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cùng đại diện các cơ quan liên quan.
Nhiều đại biểu đánh giá, chất lượng giáo dục cấp Tiểu học trong nhiều năm qua luôn phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền, giữa học sinh vùng phát triển và HS vùng dân tộc thiểu số. HS dân tộc thiểu số, nhất là HS lớp 1 do chưa biết hoặc biết ít về Tiếng Việt đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức ở tất cả các môn học cũng như trong việc tham gia các hoạt động giáo dục tại lớp học, trường học.
Thực tế cho thấy rào cản ngôn ngữ đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học tập và giáo dục của HS dân tộc. Từ năm học 2008-2009 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội nghị, chuyên đề bàn về dạy học Tiếng Việt cho cho HS dân tộc thiểu số với 5 giải pháp trong đó có giải pháp thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.
Bộ GD&ĐT nhận thấy muốn nâng cao chất lượng học tập, giáo dục cho HS dân tộc thiểu số phải tích cực tăng cường Tiếng Việt và xác định đó là nhiệm vụ quan trọng số một đối với giáo dục vùng có nhiều HS dân tộc thiểu số.
Các đại biểu trao đổi tại cuộc tọa đàm |
Sau hơn ba năm thực hiện, việc tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số tại các địa phương có nhiều khả quan. Theo báo cáo của các địa phương, kết quả môn Tiếng Việt của các địa phương có đông HS dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Các giải pháp mà các tỉnh đã thực hiện để nâng cao chất lượng việc dạy học Tiếng Việt như: Huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp mầm non, một số tỉnh đã huy động trẻ 4 tuổi ra lớp đạt hơn 80%. Các trường thuộc 40 tỉnh địa bàn dự án PEDC đã thực hiện hiệu quả tài liệu chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường do nhân viên hỗ trợ GV và GV lớp 1 dạy 60 buổi trong hè.
Việc dạy học theo hướng tăng thời lượng được các tỉnh áp dụng và trao quyền chủ động cho GV trong quá trình giảng dạy. Các tỉnh lựa chọn giải pháp dạy học tài liệu lớp Công nghệ giáo dục, chương trình nghiên cứu thực hành song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, đã tạo ra những hiệu ứng hiệu tốt trong việc dạy học Tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số.
Các đại biểu trong cuộc tọa đàm đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Việc dạy và học Tiếng Việt cho HS dân tộc, Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, các báo cáo tổng kết của các địa phương tham gia triển khai giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Tọa đàm cũng được nghe ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội về các đặc thù của từng địa phương và những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã có những quan tâm về công tác chuyên môn và chính sách cho giáo dục dân tộc và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số. Các địa phương trên cơ sở những đặc thù riêng của địa phương mình cần lựa chọn những giải pháp cho phù hợp. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm hơn nữa về vấn đề này, góp tiếng nói đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục cho HS dân tộc thiểu số. Trong đó vấn đề quan trọng là tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ GV vùng dân tộc thông qua việc quan tâm dạy tiếng dân tộc cho các cán bộ công chức, chế độ cử tuyển, ưu tiên cho HS người dân tộc... để phát huy nâng cao chất lượng giáo dục cho HS dân tộc thiểu số.
Châu Anh