Nhiều giải pháp được triển khai để hạn chế bạo lực học đường

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh, lo lắng trước tình trạng bạo lực xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gia tăng và đề nghị ngành Giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Học sinh lớp song ngữ Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) trao đổi nội dung môn học.	Ảnh: Đức Chiêm
Học sinh lớp song ngữ Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) trao đổi nội dung môn học. Ảnh: Đức Chiêm

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Để khắc phục tình trạng bạo lực học đường và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình và môi trường xã hội lành mạnh.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng bạo lực học đường:

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường và tăng cường công tác quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức học sinh, có giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ những bức xúc trong học sinh kịp thời; phối hợp với các tổ chức Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên ở địa phương và gia đình để nắm bắt diễn biến tâm tư, tình cảm của các học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để cùng phối hợp giáo dục học sinh và ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường.

Chỉ đạo rà soát, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vào trong các môn học chính khóa: Các chuyên đề lễ giáo cho trẻ em mầm non, môn Đạo đức cho học sinh tiểu học, môn Giáo dục công dân cho học sinh trung học và các môn học, hoạt động giáo dục khác; đưa kiến thức môn Giáo dục công dân thành môn thi chính thức trong Kỳ thi THPT quốc gia và đã có tác động tích cực đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường; nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục và trải nghiệm cho học sinh.

Đẩy mạnh công tác vinh danh, tuyên dương gương người tốt - việc tốt trong ngành Giáo dục để lan tỏa rộng rãi trong ngành, xã hội.

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ GD&ĐT đang soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng bổ sung các hành vi bạo hành, bạo lực học đường để xử lý hành chính và xử lý hình sự ở các hành vi có mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em theo hướng bổ sung những hành vi vi phạm về bảo trợ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ