Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng

(GD&TĐ) - Trong tháng 10/2011, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục triển khai các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng, như: tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng; thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của từng tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém để có các biện pháp chấn chỉnh, can thiệp kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục triển khai các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng. Ảnh: Internet
Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục triển khai các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng. Ảnh: Internet

 Đối với vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quan điểm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng, trong đó khẳng định: Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền; Quá trình tái cơ cấu được triển khai thận trọng trên nguyên tắc tự nguyện với lộ trình và bước đi cụ thể, thích hợp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu nhằm tạo ra một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và có khả năng cạnh tranh tốt; Chuẩn bị tốt cơ sở pháp lý cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; xây dựng phương án tổng thể xác định nhu cầu bổ sung vốn điều lệ cho tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

So với cuối tháng 9/2011, lãi suất huy động và cho vay VND tương đối ổn định; Lãi suất huy động USD có dấu hiệu tăng nhẹ và lãi suất cho vay USD ít biến động. Cụ thể như sau:

Lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 3,6-6%/năm đối với không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 14%/năm đối với các kỳ hạn từ 01 tháng trở lên; Lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 17- 19%/năm, cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18-21%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất khoảng 20-25%/năm;Lãi suất huy động USD phổ biến ở mức 2,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức kinh tế; Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn, 7,5-8%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức cao trong các ngày từ 11/10 đến 19/10/2011 (kỳ hạn qua đêm ở mức 16-17%/năm, 1-2 tuần ở mức 17-19%/năm, 1 tháng ở mức 20-22%/năm; cùng với các kỳ hạn ngắn, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tăng đột biến trong ngày 17-18/10 ở mức 17,06%/năm và 20,73%/năm), chủ yếu do một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng. Từ chiều ngày 20/10, lãi suất trên thị trường này đã giảm trở lại sau khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời. Hiện nay, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 13-14%/năm, 1 tuần ở mức 14,5-15%/năm.  

Về tỷ giá bình quân liên ngân hàng, trong tháng 10 được điều chỉnh tăng 0,77% so với cuối tháng 9/2011 và đến ngày 27/10 ở mức 20.788 VND/USD. Tỷ giá mua - bán của các ngân hàng thương mại theo sát diễn biến tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá bán ra luôn sát trần cho phép.

Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 20/10/2011 ước giảm 0,74% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ giảm 1,29%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,73%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 8,59%.

Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/10/2011 ước tăng 0,05% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND tăng 0,05%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,05%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,61%.

Tổng phương tiện thanh toán đến 20/10/2011 ước giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cuối năm 2010; trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 1,09% so với tháng trước và so với cuối năm trước tăng 0,91%.

Vũ Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.