Nhiều điểm mới và mang tính đột phá

GD&TĐ - Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu nhận xét: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nhiều điểm mới và mang tính đột phá, nhất là nội dung về tự chủ đại học.

Tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong đào tạo là yêu cầu đối với tất cả các cơ sở GD đại học trong giai đoạn tới
Tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong đào tạo là yêu cầu đối với tất cả các cơ sở GD đại học trong giai đoạn tới

Điểm nhấn là “bộ ba chính sách”

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo, vì đây là đạo luật rất khó, giống như Luật Giáo dục thu hút nhiều ý kiến của cử tri cả nước.

“Ở đây, tôi quan tâm nhất là vấn đề tự chủ đại học. Tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, đó mới là điều quan trọng. Tôi đánh giá cao “bộ ba chính sách” của dự thảo Luật, đó là: Thứ nhất là chính sách về quyền tự chủ; Thứ hai là trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và thứ ba là kiểm định của Nhà nước” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nếu như trước đây Nhà nước đứng ra tổ chức, thực hiện, chịu trách nhiệm đến tận khâu đầu ra và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo thì giờ đây cần phân biệt rõ, Nhà nước chịu trách nhiệm về quản lý đối với cơ sở GD-ĐT, chịu trách nhiệm về tổ chức, hệ thống máy móc, sản phẩm, con người.

Theo đó, nếu cơ sở giáo dục nào không đủ khả năng hoặc năng lực kém, để xảy ra sai phạm thì Nhà nước không cho hoạt động hoặc có chế tài xử lý. Còn các cơ sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hoạt động và chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của mình. Nếu tạo ra sản phẩm không tốt thì xã hội sẽ không chấp nhận sản phẩm đó.

Góp ý thêm về một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi: Quy định về tổ chức, phát triển các cơ sở giáo dục đại học cần được rà soát, làm kỹ. Ví dụ, một trường có thể liên kết với một trường khác bằng nhiều hình thức để tạo ra cơ sở GDĐH mạnh hơn, hoặc có thể phát triển thành một đại học hoặc 1 trường đại học có quy mô lớn hơn. Sự liên kết này có thể là liên kết cứng hoặc liên kết mềm.

“Chúng ta cần hết sức lưu ý về khái niệm sát nhập. Dự thảo hiện chưa thống nhất về khái niệm, có nghĩa là chưa thống nhất về tổ chức và thực thể. Do đó cần xem xét và nghiên cứu kỹ hơn về nội dung này” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng góp ý.

Bước đột phá trong chuyển dịch hệ thống GDĐH

Còn theo đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã hoàn thiện về hành lang pháp lý về tự chủ đại học. Dự thảo Luật đã tạo cơ chế thông thoáng về cơ chế tài chính, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Với cơ chế này sẽ phát huy được tính cạnh tranh trong cơ sở GDĐH và tăng cường chất lượng GD-ĐT.

Cũng theo đại biểu Triệu Thế Hùng, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định về đào tạo như: Chương trình, hình thức, thời gian đào tạo theo hướng tiếp cận với các chuẩn đào tạo trong khu vực và hội nhập quốc tế. Điều này đáp ứng với yêu cầu dịch chuyển lao động tự do.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã có những quy định về đại học tư thục. Trên cơ sở đó, đưa ra mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị để phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH. Đồng thời có bổ sung những quy định về chính sách ưu tiên phát triển các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

“Đây là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống GDĐH tĩnh, khép kín thành hệ thống GDĐH động và mở, tạo điều kiện linh hoạt cho hệ thống GDĐH, tự lựa chọn mô hình” - đại biểu Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ