Nhiều đề xuất nội dung chương trình cho phát triển giáo dục trung học

GD&TĐ - Chiều 11/1, tại Hải Phòng, Chương trình Phát triển Giáo dục Trung học tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2014 và đề xuất ban đầu nội dung chương trình phát triển Giáo dục Trung học pha II.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ G&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và chỉ đạo Hội nghị.

Chương trình Phát triển Giáo dục Trung học giai đoạn II (SESDP II), với mục đích nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho giáo dục trung học được đưa vào trong Kế hoạch hoạt động Quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015, mục tiêu giải quyết các vấn đề thuộc cấu trúc trong giáo dục trung học và cải thiện các hoạt động hướng tới giáo dục trung học chất lượng hơn.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hải Châu - Giám đốc Chương trình - trình bày các hành động cải cách chính sách đề xuất ban đầu.

Theo đó, đối với việc Quản lý và lập kế hoạch, Chương trình đã thúc đẩy phân cấp hoạt động nội dung của giáo dục trung học như: Áp dụng theo từng giai đoạn mô hình lập kế hoạch và quản lý giáo dục phân cấp tại tỉnh, huyện và trường học;

Phát triển chương trình, sách giáo khoa và đào tạo giáo viên theo hướng phân cấp; Tiến hành đánh giá toàn diện ngân sách và xây dựng khung trung hạn để bảo đảm việc phân bổ nguồn nhân lực và ngân sách bền vững trong hệ thống quản lý giáo dục phân cấp;

Thí điểm hệ thống học phí mới cho một số loại hình trường trung học; Xây dựng khung chính sách để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực giáo dục trung học.

 Những đề xuất cải tiến 

Chương trình cũng đề xuất cải tiến chất lượng và chịu trách nhiệm trong giáo dục trung học, trong đó: Phát triển một hệ thống đánh giá độc lập và chuyên nghiệp hơn để đánh giá chất lượng giáo dục; Cải tiến chất lượng của giáo viên trung học thông qua chính sách quản lý nguồn nhân lực mới, bao gồm ký kết hợp đồng với các giáo viên có chất lượng cao và cơ chế khuyến khích;

Đổi mới phương thức quản lý hoạt động xây dựng và xuấn bản sách giáo khoa; Tăng cường về mặt thể chế đối với các trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo giáo viên góp phần đổi mới GDPT; Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển khoa học và công nghệ.

Liên quan đến xây dựng các kế hoạch và chính sách mang tính chiến lược và sáng tạo hơn nhằm tăng cường tiếp cận và duy trì học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong GD trung học, Chương trình đề xuất: Cải tiến chính sách chưa phù hợp với việc tiếp cận giáo dục THCS của người di cư trong nước; Bổ sung chính sách để hỗ trợ việc chuyển tiếp từ giáo dục tiểu học lên THCS;

Gia tăng các yếu tố giáo dục kỹ thuật và dạy nghề trong chương trình GD trung học; Tăng cường hỗ trợ tài chính theo nhiều hình thức cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tiếp cận và tiếp tục duy trì học tập ở cấp THCS; Xây dựng chính sách mới để hỗ trợ học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt.

Tại Hội nghị, tham luận của các đại biểu đến từ Vụ Giáo dục Thường xuyên, Cục Khảo thí,  Kiểm định & Đảm bảo chất lượng GD, Văn phòng PISA, Sở GD&ĐT Hải Phòng, và các cơ quan liên quan, từ thực tế quản lý đã cùng làm rõ các nội dung đề xuất, cũng như nêu lên kiến nghị bổ sung hoàn thiện các đề xuất chính sách của Chương trình.

Cụ thể: Nên đưa các nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuẩn cho giáo viên vào chương trình giảng dạy tại các trường sư phạm; Cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn giáo viên vào các trường sư phạm; Vấn đề chuẩn đầu ra cho các trường trung học; Quan tâm hỗ trợ nhiều hơn các trung tâm giáo dục thường xuyên; Đề xuất các chính sách, cấp học bổng cho học sinh vùng khó khăn sao cho hiệu quả.

Tiêu chuẩn quy trình đánh giá phải đơn giản, hiệu quả, phản ánh đúng bản chất vấn đề

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao những việc đã làm được của Chương trình.

Thứ trưởng yêu cầu Chương trình cần làm rõ nhiều đề xuất nội dung liên quan của các đại biểu như vấn đề chuẩn đầu ra cho các trường trung học; Hoạt động bồi dưỡng giáo viên phối hợp nhiều lực lượng cho hiệu quả; Vấn đề hỗ trợ học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn để cấp học bổng cần nghiên cứu triển khai sao cho hiệu quả hơn;

Chương trình cũng cần tổng kết việc vay vốn nước ngoài và đánh giá tính hiệu quả.

Thứ trưởng cũng nhắc nhở, các đề xuất của Chương trình với việc nghiên cứu cách đánh giá chuẩn nhà trường, giáo viên, tiêu chuẩn quy trình đánh giá phải đơn giản, hiệu quả, phản ánh đúng bản chất vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ