Nhiều cụ cao niên đồng loạt xin thoát khỏi hộ nghèo: Làm gương cho con cháu

GD&TĐ - Gần đây nhiều gia đình cụ ông, cụ bà tại Hà Tĩnh đồng loạt làm đơn gửi chính quyền xin thoát khỏi hộ nghèo với lý do đã hết nghèo nên nhường lại bình xét này cho các hộ khác.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lương
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Lương

Gia đình đã hết nghèo

Đang hưởng chế độ hộ nghèo với nhiều chính sách của Nhà nước, hai ông bà Nguyễn Văn Lương và vợ là cụ Dương Thị Huệ (đều 90 tuổi, trú tại thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã gửi đơn lên chính quyền xã xin thoát khỏi hộ nghèo.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng cụ Lương vẫn còn rất minh mẫn. Cụ Huệ cho biết, vợ chồng cụ sinh được 6 người con (3 trai, 3 gái) nhưng 2 người con trai đầu đã mất vì bệnh tật, các con còn lại đã có vợ, có chồng. Sau khi người con trai duy nhất còn lại (con thứ 5 - phóng viên) là anh Nguyễn Văn Hùng lấy vợ thì ở chung với bố mẹ già để tiện chăm sóc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng ông Lương nằm trong danh sách được hưởng chế độ chính sách hộ nghèo của xã Thạch Đài suốt 15 năm qua.

Đơn xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
 Đơn xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Qua trao đổi, ông Lương cho biết, trước đây gia đình rất khó khăn, ăn không đủ, nhưng giờ con cái lớn, có công việc ổn định, cháu nội cũng đi làm ở nước ngoài, có tiền gửi về để xây nhà cửa. Về cơ bản là gia đình chúng tôi đã có cái ăn, của cất giữ. Cho nên, việc nhận hộ nghèo từ nhà nước mãi là không phù hợp.

“Nhờ có hộ nghèo mà vợ chồng tôi có thẻ bảo hiểm để đỡ chi phí khi mua thuốc men. Nhưng bây giờ, các con tôi đứa nào cũng có nhà cao cửa rộng cả rồi và đã lo được cho bố mẹ. Vì thế, vợ chồng tôi muốn ra hộ nghèo để nhường suất này cho người khác và cũng để làm gương cho con cháu” – ông Lương bày tỏ.

Được biết, ngày 22/10, vợ chồng ông Lương sang nhà Bí thư Chi bộ thôn Liên Hương nhờ viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo gửi UBND xã Thạch Đài. Trong đơn xin ra khỏi hộ nghèo của vợ chồng cụ Lương có đoạn viết: “Vợ chồng chúng tôi xin ra khỏi hộ nghèo năm 2020 để nhường lại cho hộ khác. Mặc dù vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên. Nhưng nay nhờ con cháu nuôi dưỡng đến nơi, đến chốn. Vậy vợ chồng chúng tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Rất mong các cấp chấp nhận”.

Ngôi nhà khang trang của con trai mà vợ chồng cụ Lương đang sống cùng
 Ngôi nhà khang trang của con trai mà vợ chồng cụ Lương đang sống cùng

Ông Dương Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Đài, cho hay vào chiều 22/10, chính quyền xã đã nhận được đơn xin ra khỏi hộ nghèo của vợ chồng ông Lương. “Lý do, vợ chồng ông xin thoát khỏi hộ nghèo vì hiện nay con cháu đều đã có cuộc sống ổn định. Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần của vợ chồng cụ Lương và sẽ xem xét cho hai cụ thoát nghèo vào năm 2020”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, toàn xã Thạch Đài hiện còn có 74 hộ nghèo và 103 hộ cận nghèo. Xã Thạch Đài về đích nông thôn mới vào năm 2016.

Nghèo mãi sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước

Ngày 24/10, ông Trần Xuân Trực, Bí thư đảng ủy xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, chính quyền xã vừa nhận được đơn của hộ ông Trần Văn Sơn (87 tuổi) xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Sau khi cho người dân xuống tận nhà tìm hiểu, xã đã chấp thuận đề nghị của vợ chồng ông. Quyết định này có hiệu lực sau 7 ngày nữa, khi danh sách niêm yết công khai những hộ nghèo và thoát nghèo năm 2020 của xã được dân thông qua.

Vợ chồng ông Trần Văn Sơn.
Vợ chồng ông Trần Văn Sơn. 

Cũng theo lãnh đạo địa phương, lý do mà hộ ông Sơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo là con cái đã trưởng thành, kinh tế khá giả, bản thân gia đình ông đã hưởng 5 năm chế độ chính sách Nhà nước, nay nên nhường lại cho những hộ khác xứng đáng hơn.

Thôn Thống Nhất (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân) có 328 hộ dân, 11 hộ nghèo, trong đó 4 hộ là vợ chồng già. Để bình xét hộ nghèo, xã sẽ cử người về phối hợp với cán bộ thôn đi điều tra chấm điểm, sau đó rà soát, phê duyệt những gia đình được bầu chọn, niêm yết công khai lấy ý kiến người dân. Khi tất cả cùng đồng ý mới chốt danh sách, nếu hộ nào bị phản đối thì phải phúc tra lại. 

Một lý do khác mà ông Sơn đưa ra khi quyết rời hộ nghèo, “Gia đình không thể là một nhân tố kìm hãm sự phát triển của xã hội mãi được. Thoát nghèo chính là thoát khỏi sự lệ thuộc và đến lúc cần nhận thức rõ, nghèo mãi là không được khi con cái đã trưởng thành, chẳng nhẽ không lo nổi cho cha mẹ” – ông Trần Văn Sơn nói khi được hỏi.

Ông Sơn và vợ là bà Dương Thị Kiền (87 tuổi) sống trong căn nhà cấp bốn rộng 24 m2 được xây 7 năm trước. Căn nhà có nhiều mảng tường đã cũ, bong tróc. Kết hôn năm 1954, ông bà sinh 5 người con (hai trai, ba gái). Ngoài cô con gái thứ hai đã mất vì đột quỵ, những người còn lại đã trưởng thành, lập gia đình, công việc ổn định. Bản thân ông Sơn không có lương hưu, bệnh tật thường xuyên.

Được biết, ông Sơn tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi về quê, nhà nước trả cho ông một khoản tiền trợ cấp nhỏ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông cũng như bao gia đình khác ở quê là làm nông, gắn với đồng ruộng, cuốc mướn kiếm thu nhập. Nay sức yếu, vợ chồng ông bà trồng thêm rau trong vườn, vào vụ bán lấy tiền mua gạo, thức ăn.

Căn nhà cấp 4 nơi vợ chồng ông Sơn đang sinh sống.
Căn nhà cấp 4 nơi vợ chồng ông Sơn đang sinh sống. 

Theo ông Sơn, hai ông bà tuổi đã cao ăn uống không đáng bao nhiều, mỗi tháng hết 10kg gạo, thức ăn mua một lần ăn mấy bận. Chỉ tốn ở khoảng tiền thuốc, nhưng khoản này có con cháu lo rồi, mỗi tháng chúng gửi vài triệu đồng, đủ chi tiêu.

“Khi tôi nhận thức việc, được công nhận hộ nghèo nhiều năm với 2 ông bà già tuổi đã cao, sức đã yếu là không phù hợp, nhất là bản thân vợ chồng tôi vẫn còn có con cháu nuôi được. Vì vậy, tôi làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, nhường ưu tiên này cho gia đình khác, họ khó khăn hơn. Khi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo hồi giữa tháng 10, hàng xóm tưởng hai ông bà tôi bị ai đó "tạo sức ép" nên suy nghĩ chưa thấu đáo, đến gặng hỏi để "đòi lại công bằng, nhưng tôi trả lời, chúng tôi hoàn toàn tự nguyện” - ông Sơn cho hay.

Theo ông Trần Anh Tuấn, trưởng thôn Thống Nhất, việc ông Sơn làm đơn rút khỏi hộ nghèo khiến người dân trong xóm bất ngờ, nhưng sau khi nghe ông trình bày lý do thì mọi người lại "tâm phục, khẩu phục" ông hơn. Bản thân tôi, đồng ý quan điểm, đưa ra bình xét trước bà con trong cuộc họp thôn ba hôm trước và nhận được sự đồng thuận cao.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chính sách, quyền lợi của Nhà nước dành cho người nghèo, gồm: Tiền hỗ trợ sản xuất, miễn phí tiền điện (chỉ áp dụng với những hộ dùng không quá 50.000 đồng một tháng), hưởng gạo trợ cấp theo từng đợt, bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh miễn phí... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.