Nhiều cơ sở để tin tưởng vào phương án thi mới

GD&TĐ - Đó là khẳng định của ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, khi trao đổi về Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 (sẽ gọi là Dự thảo) được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận. 

Nhiều cơ sở để tin tưởng vào phương án thi mới

Ông cũng đưa ra những nhận định thẳng thắn, phân tích nhiều yếu tố sẽ mang lại thành công của kỳ thi năm nay.

Cần thiết phải có Kỳ thi THPT quốc gia

Trước hết, ông Cao Xuân Hùng khẳng định chủ trương thi và giữ nguyên Kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT là hết sức cần thiết. Vì trước đây đã có một số ý kiến cho rằng Bộ nên giao quyền xét tốt nghiệp về các tỉnh và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học. Theo ông, Bộ GD&ĐT giữ nguyên kỳ thi dựa trên mấy lý do:

Thứ nhất, chưa đặt vấn đề thi dễ hay khó, mà ở đây thi cử là một động lực cần thiết để thúc đẩy phong trào dạy và học trong các nhà trường. Nếu không tổ chức thi, bỏ thi là đã làm mất đi động lực học tập của người học.

Thứ hai, cần có một kỳ thi chung toàn quốc như vậy để Bộ có một bức tranh toàn cảnh trung thực nhất nhằm đánh giá được thực chất chất lượng giảng dạy, học tập của các bộ môn ở giáo dục phổ thông hiện nay cũng như việc quản lý chất lượng đầu vào của các trường đại học.

Còn việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học là đúng về xu hướng nhưng hiện tại việc này chưa thể ổn ngay được. Vì trên thực tế, các trường đại học đã hội đủ các điều kiện để tự chủ chưa, nhất là điều kiện tự chủ tuyển sinh.

Đánh giá về định hướng các bài thi của kỳ thi THPT năm nay, theo ông Cao Xuân Hùng nêu rõ: Theo tôi, bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội sẽ là hình thức kiểm tra toàn diện kiến thức, kỹ năng học sinh đã học ở phổ thông, điều này thực sự là rất cần thiết, sẽ làm thay đổi cách dạy và cách học trong các nhà trường. Nếu kỳ thi ít môn như trước đây thì học sinh lại sẽ chỉ tập trung vào học những môn sẽ thi.

Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục phổ thông hiện nay là yêu cầu học sinh nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng của tất cả các môn học chứ không phải chỉ một vài lĩnh vực. Về sau này, giáo dục phổ thông tiến tới phân ban rõ ràng thì có thể yêu cầu đặt ra cho học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ khác.

Nhưng hiện tại, mục tiêu đặt ra cho học sinh tốt nghiệp phải là nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng nhiều môn học và như vậy thi bài tổ hợp ở nhiều khía cạnh đã đồng bộ hóa được công tác kiểm tra, đánh giá và việc giảng dạy, học tập ở phổ thông hiện nay.

Tuy nhiên về bài thi tổ hợp (KHTN, KHXN), đã là một bài thi thì thí sinh phải làm toàn bộ nội dung trong bài thi đó, trừ khi thí sinh không làm được. Có ý kiến cho rằng thí sinh có thể làm tách ra từng môn, như vậy sẽ là nhiều môn thi được gộp trong một lần thi chứ không gọi là bài thi nữa. Rất khó khăn trong việc tính giờ, coi thi với những thí sinh chỉ làm một môn trong tổ hợp các môn cùng lĩnh vực;

“Tôi cho rằng ý tưởng của Bộ không phải là ghép môn cơ học trong một bài thi như lần này. Về lâu dài, bài thi tổng hợp đòi hỏi phải tích hợp kiến thức của ba môn trong cùng lĩnh vực để giải quyết cùng một vấn đề. Thí sinh phải vận dụng kiến thức liên môn để làm bài thi, không thể tách rời kiến thức từng phần của môn thi trong bài thi.

Do vậy, khi đưa vào văn bản quy chế chính thức kỳ thi, tôi đề nghị bài thi tổ hợp là một bài thi, chứ không phải 3 bài thi ghép vào một lần thi”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nêu quan điểm.

Chọn hình thức thi trắc nghiệm là hợp lý

Đối với hình thức thi trắc nghiệm khách quan năm nay, theo bản Dự thảo, 5/6 bài thi sẽ được thi theo hình thức này. Ông Cao Xuân Hùng cho rằng, hình thức thi nào cũng có mặt tích cực và mặt hạn chế. Không có hình thức thi nào đạt được tất cả các mặt ưu việt cả. Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi rộng, liên quan đến hàng triệu thí sinh, cán bộ làm nhiệm vụ thi; Năm nay, Bộ chọn hình thức thi trắc nghiệm khách quan và kiểm tra nền tảng kiến thức là rất hợp lý cho một kỳ thi quy mô trên diện rộng cả nước.

Liên quan đến công tác đề thi và câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phân hóa phải được nghiên cứu sao cho hợp lý, làm sao đánh giá học sinh được khách quan nhất, đảm bảo mục tiêu của các bộ môn, mục tiêu xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phải tăng cường công tác bảo mật đề thi. Vì rằng công tác đề cực kỳ quan trọng đối với kỳ thi và trải trên diện rộng khắp các vùng miền của cả nước; có vùng thuận lợi, có vùng khó khăn, vùng xa xôi, vùng cao hẻo lánh và điều kiện bảo mật, in sao, vận chuyển đề thi cũng sẽ gặp phải những điều kiện thuận, lợi khó khăn rất khác nhau…

Do vậy, Bộ phải có những giải pháp tăng cường, siết chặt công tác an toàn cho kỳ thi, đảm bảo tính khách quan, tạo được lòng tin của nhân dân vào kỳ thi, làm thước đo trung thực chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay và làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào.

Đánh giá như thế nào về chủ trương Bộ giao cho Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức cụm thi dành cho tất cả các thí sinh tại địa phương, dưới sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ, theo ông Cao Xuân Hùng:

Trong lần Bộ lấy ý kiến đóng góp để xây dựng phương án thi trước đây, chúng tôi vẫn đề nghị Bộ duy trì lực lượng cán bộ, giảng viên tham gia coi thi THPT quốc gia để tạo niềm tin trong nhân dân. Theo bản Dự thảo kỳ thi lần này, Bộ giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, tổ chức cụm thi tại địa phương dưới sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của cán bộ, giảng viên đại học, chúng tôi vẫn tin tưởng vào chủ trương cách làm của Bộ, tính nghiêm túc của kỳ thi vẫn sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo tôi Bộ vẫn nên duy trì, điều động lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ tham gia coi thi như năm ngoái (nếu có thể được, vẫn đảm bảo tỷ lệ 50/50); Việc này đồng thời còn có ý nghĩa thể hiện trách nhiệm của các trường đại học đối với hệ thống giáo dục phổ thông và tạo dựng niềm tin của xã hội, của nhân dân vào kỳ thi. Còn về năng lực tổ chức kỳ thi, các địa phương vẫn có thể tổ chức tốt kỳ thi, đáp ứng được mọi yêu cầu các công tác của kỳ thi, điều này đã được kiểm chứng trong kỳ thi những năm trước đây.

Về đổi mới bài thi, tôi cho rằng, Bộ đã mạnh dạn làm đúng chủ trương đổi mới kỳ thi, có lộ trình đặt ra từ trước là thi theo bài thi thay thế cho môn thi. Bởi yêu cầu tối thiểu đặt ra cho học sinh phổ thông muốn tốt nghiệp bậc học phải nắm được kiến thức cơ bản của các bộ môn, chứ không phải chỉ là kiến thức của một hay vài lĩnh vực. Trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT vừa qua, tỉnh Nam Định cũng đã tiên phong tổ chức thi bài thi tổng hợp tương tự như vậy và đã thành công tốt đẹp.

Ông Cao Xuân Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ