(GD&TĐ)-Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015. Trong đó, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người học.
Các em học sinh 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tại cuộc thi Văn hay chữ tốt khu vực. |
Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo các quy định hiện hành của Nhà nước; thực hiện chính sách bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục và đào tạo, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo quy định hiện hành, tại quyết định này đã bổ sung đối tượng giáo viên dạy nghề thường xuyên xuống thôn, phum, sóc dạy nghề được hưởng chế độ phụ cấo lưu động như giáo v iên thực hiện xóa mù chữ, phổ cập giáo dục.
Đối tượng giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt; đối tượng giáo viên ở các cơ sở dạy nghề vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Đối với người học, tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho HSSV, học viên là người dân tộc thiểu số nói chung và người Khmer nói riêng (ưu tiên về điều kiện tuyển sinh, cử tuyển, dự bị, đào tạo theo địa chỉ).
Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP; hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg; vay vốn tín dụng HSSV theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Bổ sung đối tượng hưởng chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú theo Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg. Người lao động sau khi học nghề được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Bổ sung một số chính sách đặt hàng dạy nghề đối với người học các nghề để thúc đẩy đưa công nghiệp về nông thôn, giải quyết việc làm, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn và các nghề khó tuyển sinh.
Mục tiêu phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 nhằm tại bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng và cả nước.
Hiếu Nguyễn