(GD&TĐ)- Hơn 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có một số chính sách ưu tiên đối với ngành sư phạm nói chung, các trường ĐH sư phạm nói riêng và những chính sách này đã thu hút được nhiều sinh viên khá, giỏi mà phần lớn từ nông thôn, vùng khó khăn theo học. Thêm một số chính sách ưu đãi với những đối tượng này trong thời gian tới sẽ tiếp tục là động lực hấp dẫn để thu hút học sinh giỏi dự thi vào ngành sư phạm.
Một số chính sách đã được thực hiện trong thời gian qua, có thể kể tới việc sinh viên vào học các trường sư phạm không phải đóng học phí; chính sách cho sinh viên nghèo vay tiền đi học để trang trải sinh hoạt phí và giáo viên đứng lớp được hưởng phụ cấp đứng lớp - đây là chính sách đặc biệt, các ngành nghề khác không được hưởng và chính sách này đã hỗ trợ cho giáo viên một phần sinh hoạt phí để yên tâm công tác hơn.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm và đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc diện nghèo, đối tượng chính sách vay ở các vùng khó khăn để trang trải chi phí sinh hoạt để học tập như cả ăn ở, sách vở và đi lại cho sinh viên.
Bên cạnh đó, trong đề án về đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học đã tính đến sự khác biệt về học phí và kinh phí đào tạo giữa các ngành khác nhau, trong đó có mức chi phí đào tạo cụ thể cho ngành sư phạm, có lộ trình tăng chi phí; xem xét việc tính toán lại chính sách đối với sinh viên cử tuyển và chính quy theo địa chỉ đối với ngành sư phạm, trong đó, xem xét miễn giảm cả học phí, chi phí sinh hoạt và chi phí đào tạo. Tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng giáo dục cho sinh viên nghèo nhưng thời gian trả nợ sẽ được tính dài hơn (10 năm).
Ngoài chính sách giáo viên được hưởng phụ cấp đứng lớp hiện nay, giáo viên còn được hưởng phụ cấp thâm niên và Bộ GD&ĐT tiếp tục kiến nghị Chính phủ có chính sách cho những sinh viên ra trường công tác tại các cùng cao, miền núi, vùng khó khăn còn được hưởng phụ cấp thu hút giáo viên.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tại các cơ sở đào tạo SP
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã ra Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ ngày 04/4/2007 về việc phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2007 đến năm 2015. Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ, năm 2011, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết.
Kết quả cho thấy, ngành sư phạm và hệ thống các trường sư phạm đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nổi bật nhất là các trường sư phạm đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo. Đội ngũ này cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Bên cạnh những thành tựu cơ bản, các trường sư phạm vẫn còn yếu kém, bất cập trong việc xây dựng kế hoạch phát triển trường, trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường sư phạm còn chưa chú trọng đúng mức và còn chậm đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Từ kết quả đánh giá trên, Bộ GD&ĐT ra Quyết định số 6290/QĐ-BGD ĐT ngày 13/12/2011 ban hành Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020, trong đó đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, đáp ứng nhiệm vụ: "Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng" như đã nêu trong Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII).
Các nhiệm vụ và giải pháp đó là: củng cố mạng lưới, phát triển quy mô, hoàn thiện phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên; phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm; đổi mới công tác quản lý các cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất các trường sư phạm; thực hiện định kì kiểm định, đánh giá đúng và công khai chất lượng các cơ sở đào tạo giáo viên làm cơ sở cho việc giám sát của xã hội và xây dựng các giải pháp thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngoài ra để đảm bảo nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ một số chính sách ưu tiêu hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo giáo viên (đặc biệt là 2 trường ĐHSP trọng điểm, hai trường này sẽ là 2 trường trụ cột và điểm tựa hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo sư phạm khác trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ) được tiếp tục hưởng lợi từ các dự án Giáo dục đại học, Chương trình mục tiêu để thực hiện các chương trình chất lượng cao, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, tạo điều kiện tốt để nâng cao chất lượng đào tạo.
Hải Bình