Sau khi một số trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bị đình chỉ hoạt động do cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm, những ngày qua, tại hầu hết các trung tâm đã xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải.
Về lý thuyết, khi số lượng các trung tâm đăng kiểm giảm, đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Lý do nữa được cho là thời điểm cuối năm, thường trùng với việc các phương tiện đến hạn phải đăng kiểm nên có thể dẫn tới gia tăng số lượng.
Để khắc phục tình trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm định, bố trí làm thêm giờ để giải quyết nhu cầu của người dân nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Bên cạnh đó, Cục cũng khuyến cáo người dân chủ động kiểm tra trước khi mang xe đến trung tâm kiểm định, nếu phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng cần đưa xe đến các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa để khắc phục nhằm bảo đảm phương tiện có thể đạt tiêu chuẩn ở ngay lần kiểm định đầu, tránh trường hợp không đạt phải quay lại kiểm định nhiều lần làm tốn thời gian, chi phí và trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.
Không nên để tới đúng ngày hết hạn mới mang xe đi kiểm định mà nên chủ động sớm hơn và có thể thực hiện ở bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào trên cả nước nếu thuận tiện...
Những giải pháp trước mắt mà cơ quan chức năng đưa ra nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm là phù hợp. Thế nhưng nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, chắc chắn sau sự việc này còn nhiều câu hỏi cần được trả lời thấu đáo.
Trước tiên đó là trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào? Chắc chắn không thể “nhẹ nhàng” theo kiểu phát hiện sai phạm thì xử lý là xong mà điều quan trọng là phải làm rõ những “lỗ hổng” nào trong quản lý đã dẫn tới tình trạng này? Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm? Giải pháp khắc phục thời gian tới là gì?
Câu hỏi thứ hai là khi đã thực hiện xã hội hóa công tác đăng kiểm thì phải có cơ chế nào để hài hòa lợi ích - trách nhiệm của chủ đầu tư bởi rất có thể các trung tâm này sẽ chạy theo lợi nhuận. Khi đó, việc các phương tiện không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn được các trung tâm “cho qua” và tham gia lưu thông trên đường sẽ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Với nhiều người dân, doanh nghiệp, nhất là ở một số tỉnh, thành phố phía Nam, việc đăng kiểm phương tiện đang là cả “vấn đề”. Với cơ quan chức năng, chắc chắn cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là có văn bản nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác kiểm định.
Để các trung tâm đăng kiểm phát triển và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tránh cạnh tranh không lành mạnh, việc cần thiết là phải rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, tránh để xảy ra tiêu cực, vi phạm như vừa qua. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.