Nhiều bệnh nhân lao gặp khó vì không có thẻ BHYT

GD&TĐ - Bệnh nhân đến bệnh muộn, kèm theo mắc nhiều bệnh khác, nản chí bỏ dở điều trị... là những nguyên nhân khiến việc phòng chống và điều trị bệnh lao trở nên khó khăn, gia tăng chi phí. Trong khi đó, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ BHYT dù đã có hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều bệnh nhân lao gặp khó vì không có thẻ BHYT

Gian nan điều trị lao

Không như quan niệm của nhiều người, bệnh lao thường đến với người già, bệnh nhân tại khoa Lao hô hấp (BV Phổi Trung ương) lại cho thấy điều ngược lại, có rất nhiều người trẻ, trong đó có cả bệnh nhân có thể trạng khoẻ mạnh, và luôn thường trực chiếc khẩu trang trên mặt. Nguyễn Hải Anh (22 tuổi, quê Phú Thọ, làm việc tại Hà Nội) cho biết, mới nhập viện được một tuần, trước đó không hề bị bệnh gì mà chỉ cảm thấy người mệt mỏi. Sau đó, ho ra máu, và em đi khám tại BV Bạch Mai, bác sĩ cho chụp chiếu và chuyển đến BV Phổi Trung ương.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung, khoa Lao hô hấp (BV Phổi Trung ương), bệnh lao do vi khuẩn gây ra nên có thể xâm nhập vào những người nào, đặc biệt những người có sức đề kháng yếu, hoặc trên những người có nền bệnh khác như suy thận, HIV/AIDS... Do đó, điều trị bệnh lao cũng vô cùng khó khăn, một số người còn nản chí không muốn điều trị. “Có bệnh nhân điều trị 6 tháng nhưng phải ra vào viện 2 - 3 lần, một lần phải nằm viện 2 -3 tuần. Thậm chí có bệnh nhân điều trị khỏi rồi, nhưng vẫn bị lại hoặc bệnh nhân bị lao kháng thuốc, không đáp ứng với thuốc nữa thì phác đồ điều trị cao hơn, thời gian dài hơn, khó khăn hơn”, bác sĩ Thùy Dung nói.

Mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Năm 2016 ước tính có 126.000 người mắc lao mới, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại gần 26.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Ủng hộ bệnh nhân lao mua thẻ BHYT

Mặc dù bệnh lao nằm trong Chương trình Chống lao quốc gia, bệnh nhân được khám, xét nghiệm, điều trị miễn phí, nhưng nhiều bệnh nhân chuyển sang thể nặng, chịu tác dụng phụ của thuốc hoặc biến chứng thì bệnh nhân phải chi trả. Theo các bác sĩ, một số bệnh nhân để bệnh nặng mới đi khám nên số tiền chi trả khá lớn, tới hàng trăm triệu đồng. Mặc dù BV đã xin hỗ trợ nhưng nhiều bệnh nhân không đủ tiền chi trả nên đã bỏ dở đợt điều trị.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, BHYT là một chính sách rất hiệu quả để giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao. Dù được Nhà nước hỗ trợ, nhưng kể cả những người có BHYT thì kinh phí đồng chi trả dù là 5% vẫn là gánh nặng đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

Do đó, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, tháng 3/2018, Bộ Y tế đã ra quyết thành lập Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB.

Đến nay, các cá nhân, tổ chức ủng hộ, cam kết ủng hộ cho Quỹ với số tiền gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, BV Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao từ ngày 1/5 – 29/6/2018 (cú pháp TB gửi 1402) với ý nghĩa mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.

Số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới ước tính là 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông, mặc dù đã giảm so với ước tính năm 2015 là 3.000 người. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ