Nhiệt tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Có hơn 20 năm vừa tham gia giảng dạy, tại các điểm trường trên địa bàn huyện nghèo biên giới Tây Giang (Quảng Nam), trong ký ức thầy giáo Trương Ơn vẫn chất chứa, đong đầy những kỷ niệm vui buồn nghề giáo. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của thầy là ngày ngày được chứng kiến sự trưởng thành của các em học sinh nơi tận cùng vùng biên giới.

Buổi lễ chia tay học trò của thầy giáo Trường Ơn với lũ học trò vùng biên giới diễn ra đơn sơ nhưng thật xúc động.
Buổi lễ chia tay học trò của thầy giáo Trường Ơn với lũ học trò vùng biên giới diễn ra đơn sơ nhưng thật xúc động.

Hơn 20 năm gắn bó với giáo dục vùng biên giới

Sau bao nhiêu năm gắn bó với con em đồng bào dân tộc nơi vùng sâu biên giới huyện Tây Giang, năm học 2017-2018, thầy giáo Trường Ơn mới được luân chuyển về vùng đồng bằng ở Trường TH Phạm Phú Thứ (phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Trước ngày khai giảng ở ngôi trường mới, thầy vẫn trở lại ngôi trường cũ để chào tạm biệt thầy cô, lũ học trò trong niềm xúc động trào dâng với những kỷ niệm vui buồn.Trong câu chuyện về trường, về lớp học nơi vùng biên giới, thầy giáo Trương Ơn vẫn không nguôi nặng lòng với sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Thầy bảo, hơn 10 năm trước, xã biên giới Ga Ry (huyện Tây Giang) là một trong những vùng rừng núi hoang sơ nhất ở phía tây tỉnh Quảng Nam. Địa hình nơi đây quá hiểm trở lại chưa có đường ô tô vào xã nên vùng đất này gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Thời gian đó, mọi công văn, chỉ thị của cấp trên hay thư từ liên lạc để vào tận xã nhanh nhất cũng phải cả tháng trời. Cuộc sống người dân muôn đời vẫn dựa vào sự ưu ái của thiên nhiên, từ cái ăn đến thuốc chữa bệnh đều thu nhặt từ những sản vật của núi rừng. Lối sống tự cung tự cấp, cái nghèo cái đói đeo bám họ từ đời này qua đời khác.

Những năm trở lại đây, cuộc sống người dân có cải thiện hơn trước nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy mà điều kiện học tập của con em học sinh vẫn còn hết sức thiệt thòi.

Ngày thầy về đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, Trường tiểu học Ga Ry vừa được thành lập thành trường PTDT bán trú Ga Ry. Nhờ có mô hình trường bán trú mà điều kiện ăn ở và hoạt động học tập của con em học sinh có phần đổi thay, thuận lợi. Bởi nói như lời thầy, nếu có trường phổ thông dân tộc bán trú thì lo gì việc đảm bảo sĩ số học sinh, có học sinh thì giáo dục miền núi có tất cả.

Người giáo viên sẽ không phải lo chuyện “trèo đèo, lội suối” đi vận động học sinh ra lớp, nhà trường không lo tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và khi đó người giáo viên chỉ tập trung đầu tư cho chuyên môn, bài dạy, tiết dạy…thì sợ gì chất lượng giáo dục không được nâng cao.

Thầy Ơn chia sẻ: "Nhờ có mô hình trường học bán trú mà trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai được nhiều giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dạy và học. Các em học sinh không chỉ được học ngày 2 buổi, mà còn được giáo viên kèm cặp, phù đạo kiến thức vào buổi tối. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ sẽ phong phú, sinh động hơn…Tất cả những giải pháp đó đều tập trung cho mục tiêu giúp học sinh phát triển được năng lực, phẩm chất theo hướng toàn diện”.

Tận tâm với trường, với lớp

Hơn 20 năm gán bó với con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, thầy giáo Trương Ơn luôn tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.
Hơn 20 năm gán bó với con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, thầy giáo Trương Ơn luôn tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.
              

Nói về tình hình dạy học của thầy trò hiện nay, thầy Trương Ơn bày tỏ: Có một thực tế khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục hiện nay ở các trường học trên địa bàn miền núi là do đối tượng học sinh dân tộc thiểu số có vốn ngôn ngữ Tiếng Việt còn quá hạn chế. Nên học sinh gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức các môn học, cũng như tham gia các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường.

Đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 1 đầu cấp mới chỉ được trang bị một số ít vốn từ tiếng mẹ đẻ thông dụng để giáo tiếp, còn Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 nên vốn từ càng nghèo hơn.

Do vốn từ tiếng phổ thông còn hạn chế, tạo rào cản về ngôn ngữ nên việc tiếp thu kiến thức bằng Tiếng Việt đối với các em học sinh rất thiếu. Cho nên làm thế nào để nâng cao năng lực ngôn ngữ Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng học sinh đầu cấp là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của nhà trường, mà của từng cán bộ, giáo viên.

Xác đinh công tác tăng cường, nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt.

Để công tác nâng cao năng lực ngôn ngữ Tiếng Việt và chất lượng giáo dục cho học sinh, hằng năm việc xây dựng kế hoạch tăng cường Tiếng Việt cho học sinh đều được tập thể hội đồng sư phạm nhà trường góp ý, xây dựng để có một kế hoạch hoàn chỉnh, thống nhất.

Từ đó, công tác triển khai được quán triệt đến từng giáo viên và trong suốt quá trình thực hiện đều có sự giám sát, theo dõi của Ban giám hiệu nhà trường, hội đồng sư phạm và của phòng GD&ĐT huyện.

“Hằng năm công tác tăng cường ngôn ngữ Tiếng Việt cho học sinh đầu cấp được thực hiện ngay từ đầu tháng 7. Và ngay từ đầu năm học, thực hiện sự chỉ đạo của phòng GD&ĐT, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp mang tính chuyên môn giúp học sinh học tốt môn Tiếng Việt.

Cùng với việc dạy học sinh trên lớp, giáo viên nhà trường còn tham gia dạy phù đạo cho học sinh yếu kém trái buổi và vào buổi tối tại nhà thôn và hướng dân học sinh học bài vào buổi tối theo mô hình tiếng kẻng học bài” thầy Ơn cho hay.

Thầy Trương Ơn cho biết thêm: Xác định mô hình tiếng kẻng học tập là một trong những giải pháp được thực hiện xuyên suốt năm hoc nhằm tăng cường thời lượng dạy học môn Tiếng Việt, ý thức tự học cho học sinh. Căn cứ trên địa kiện cụ thể của nhà trường vừa hoạt động theo mô hình trường học bán trú, vùa duy trì các điểm trưởng lẻ tại các thôn, bản.

Chính vì vậy, ngoài việc linh hoạt việc thực hiện tăng thời lượng dạy học Tiếng Việt cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau, như: tăng số lượng tiết dạy học trong buổi học ít tiết, buổi học trong tuần, điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học của các môn học khác để tập trung dạy học Tiếng Việt…Thì vào các buổi tối trong tuần, tại điểm trường chính và các điểm trường thôn, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đều cùng ngồi vào bàn học tập theo mô hình tiếng kẻng học bài.

“Dẫu không còn trực tiếp gắn bó với giáo dục miền núi, nhưng dù bất kỳ ở đâu, công tác ở địa bàn, trường học nào, nếu người thầy vẫn giữ được ngọn lửa nghề, nhiệt tâm với công việc thì mọi sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đều rất được trân trọng”, thầy Trương Ơn tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ