Nhiếp ảnh vẫn nghề “trời cho”!

GD&TĐ - Hầu hết, các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam phải làm những nghề không liên quan đến nhiếp ảnh để kiếm sống.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Và sự thật khá đau lòng, bế tắc đối với những bức ảnh được chụp chỉ để dự thi. Rất ít tác phẩm có thể bán được.

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc năm 2021 vinh danh 28 tác phẩm. Đây là giải thưởng quan trọng nhất trong năm trao tặng cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh có tác phẩm ảnh, công trình lý luận phê bình và sách ảnh giàu tính sáng tạo, có chất lượng nghệ thuật và nội dung cao.

“Thi xong xuôi tất cả lại về” là câu cửa miệng quen thuộc của giới nhiếp ảnh. Nó phản ánh một thực tế đã tồn tại từ lâu, khi Việt Nam gần như chưa thể hình thành thị trường nhiếp ảnh.

Ở Hà Nội từng có một vài gallery ảnh tại khu phố cổ bán ảnh lẫn với các mặt hàng lưu niệm. Cách làm này đơn giản hóa quy trình giao dịch và tạo nguồn thu trước mắt cho tác giả. Thế nhưng, cách này lại hạ thấp nghệ thuật nhiếp ảnh và thậm chí ảnh phải “rẻ như bèo” thì may ra mới có khách mua.

Trong khi đó, một vài nhiếp ảnh gia quen biết các nhà xuất bản, hoặc đơn vị kinh doanh có nhu cầu làm lịch Tết – có thể bán ảnh cho họ với giá rẻ như cho.

Bà Trần Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - thổ lộ: So với một số loại hình nghệ thuật, thì đầu ra cho các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay rất hạn chế. Tác phẩm nhiếp ảnh ít khi được bán với giá trị cao, có chăng - tác giả chỉ bán được tác phẩm của mình qua những mối quan hệ cá nhân để trang trí, làm quà tặng, đăng báo, tạp chí... và không thường xuyên.

Trước đây, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng thử nghiệm bán giúp ảnh của hội viên thông qua trang web của Hội nhưng thất bại. Một số tổ chức tư nhân ở Việt Nam từng mở ngân hàng ảnh, nhưng kết quả không như mong muốn. Ở đó nguyên nhân chủ yếu là không giữ được bản quyền ảnh - khi nghệ sĩ gửi file ảnh gốc, quảng bá chưa hiệu quả…

Không có thị trường, ảnh chụp xong chỉ để dự thi. Thế nên, hầu hết nghệ sĩ phải làm những nghề không liên quan đến nhiếp ảnh để kiếm sống. Không có kinh tế, không thể đầu tư để có những tác phẩm mang tầm vóc quốc tế. Không có tác phẩm lớn, thị trường cứ lẹt đẹt được chăng hay chớ. Vòng luẩn quẩn lặp lại – sau 69 năm vẫn chưa thay đổi.

Nhiếp ảnh được khẳng định là một loại hình nghệ thuật văn hóa, có chức năng ghi nhận hiện thực – quảng bá đời sống, con người và đất nước Việt Nam. Nhưng nếu so sánh với hai hạng mục nghệ thuật tương đương là điện ảnh và mỹ thuật, thì không khác gì người tí hon đứng giữa hai gã khổng lồ.

Nhu cầu là một yếu tố thúc đẩy thị trường. Muốn tạo lập được thị trường nhiếp ảnh, phải làm cho xã hội hiểu giá trị tác phẩm – giống như công chúng đang hiểu giá trị của tác phẩm mỹ thuật.

Chừng nào công chúng chưa hiểu giá trị nhiếp ảnh, thì chừng đó Việt Nam chưa thể tạo lập được thị trường nhiếp ảnh. Và chắc chắn, sẽ khuyết đi một ngành sáng tạo trong chiến lược công nghiệp văn hóa quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.