Phát biểu tại buổi thị sát tập trận của lữ đoàn không quân tinh nhuệ thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) về khả năng bảo vệ và tái chiếm đảo xa, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho rằng quy định mới của Trung Quốc về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông và việc nước này thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông đang gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế.
"Việc đơn phương đưa ra những quy định (hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông) chỉ phù hợp với những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền riêng. Nó không được chấp thuận ở các vùng biển quốc tế" - Người đứng đầu lực lượng quốc phòng Nhật Bản nói, không quên nhấn mạnh sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ hữu hiệu chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ ở Hoa Đông sau vụ xâm nhập mới nhất của 3 tàu Trung Quốc vào lúc 8 giờ 30 ngày 12/1 ở ngoài khơi một hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Các quy định mới về hạn chế đánh bắt cá ở Biển Đông được cơ quan lập pháp tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông qua tháng 11/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Quy định này yêu cầu tất cả các tàu thuyền không được đánh bắt cá ở vùng biển này và phải khai báo với các cơ quan chức năng Trung Quốc khi vào Biển Đông.
Quy định này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của Mỹ và Philippines.
"Đây là hành động khiêu khích và nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải và đánh bắt cá của tất cả các quốc gia tại vùng biển quốc tế được ghi trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)" - Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Theo tuyên bố, hành động mới này của Trung Quốc đang "làm leo thang căng thẳng và gây phức tạp tình hình ở Biển Đông một cách không cần thiết, đồng thời đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực".