Khi y tá Monia Sayah ở Tổ chức Bác sĩ không biên giới đến Guinea lần đầu tiên vào tháng Ba, cô không ngờ mình sẽ chứng kiến dịch Ebola bùng phát với mức độ tồi tệ nhất trong lịch sử.
Tổ chức Y tế thế giới hôm 6/8 cho biết tổng số người chết ở Tây Phi đã tăng lên 932 người. Tại Guinea, những ca nhiễm bệnh được thông báo từ hồi tháng 3 và hiện nơi đây có 363 người tử vong.
"Nỗi sợ hãi rất rõ ràng. Mọi người sợ vì họ không thể biết được liệu Ebola có ghé thăm gia đình hay ngôi làng của mình không" - CBS News dẫn lời Sayah sau khi y tá này trở về từ chuyến công tác mới nhất của mình.
Sayah cho biết, vì nỗi sợ hãi ấy mà nhiều người mắc bệnh chọn cách che giấu tình trạng của mình và thường không tới các trung tâm y tế chữa trị cho tới khi quá muộn.
Trong trường hợp đó, Sayah và các đồng nghiệp thường không thể giúp gì nhiều cho họ ngoài việc truyền dịch và cấp thuốc kháng sinh.
Mối lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên y tế đang có mặt tại nơi virus Ebola hoành hành đang tăng lên sau khi một bác sĩ hàng đầu tử vong ở Sierra Leon tuần trước.
Một y tá người Nigeria điều trị cho bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh ở quốc gia này cũng chết vì virus Ebola. Hai chuyên gia y tế người Mỹ nhiễm Ebola ở Liberia vẫn đang giành giật sự sống tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta.
Nhưng với Sayah, cô nói mình không sợ dù đã ở Guinea tổng cộng 11 tuần. Cô và các bạn đồng nghiệp tuân thủ những biện pháp phòng ngừa nghiêm khắc nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm virus.
Trước khi vào khu vực có nguy cơ cao, họ mặc bộ quần áo bảo hộ kín từ đầu tới chân và đeo cả găng tay lẫn kính bảo hộ. "Bạn phải tuân theo những qui tắc, tuy nhiên những tai nạn vẫn có thể xảy ra" - Cô nói.
Sayah phải hạn chế thời gian cô tới khu vực có đông người nhiễm. Trong bộ quần áo bảo hộ nóng bức, kín bưng, kiệt sức và mất nước là những mối quan tâm nghiêm túc.
"Bạn có nguy cơ bị ngất rồi ngã xuống đất. Bạn không muốn mình ngã ở một khu vực có nguy cơ cao. Có lẽ bạn sẽ nhấc kính lên và mắt bạn sẽ bị nhiễm" - Sayah cho hay.
Tiếp xúc gần với những bệnh nhân cận kề với cái chết, Sayah nhiều lần chứng kiến họ ra đi trong đơn độc. "Tôi cảm thấy thực sự khó khăn khi biết họ chết trong cô đơn, không ai nắm tay và động viên" - Sayah miêu tả nỗi đau đớn khi người bệnh qua đời.
Theo Sayah, cuối tháng Năm, cộng đồng y học nghĩ đã có thể khống chế được virus. Tuy nhiên không lâu sau khi Sayah rời Guinea, một nhóm bệnh nhân nhiễm Ebola lại được phát hiện ở một ngôi làng khác. Virus chết người này đang lan truyền rất nhanh.
Sayah cùng các đồng nghiệp mặc quần áo bảo hộ tới điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở Guinea. Ảnh: CBS News. |
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự lây lan chóng mặt này. Virus Ebola có thời kỳ ủ bệnh lên tới 21 ngày, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Những nghi thức mai táng truyền thống ở nơi người nhà bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người bệnh cũng đóng vai trò trong việc truyền Ebola.
Sayah nhận ra rằng nhiều người dân không tin hệ thống chăm sóc sức khỏe và các tình nguyện viên nước ngoài. "Một số người nói rằng chúng tôi đã mang Ebola tới chỗ họ. Thật khó để kiềm chế được dịch khi mà người dân không hợp tác", Sayah nói.
Không ít bệnh nhân mắc bệnh đã bỏ trốn khỏi nơi điều trị và nhiều người không chịu cách ly, cách quan trọng nhất để kiểm soát virus.
Trong thời gian nghỉ sau chuyến công tác, Sayah vẫn giữ liên lạc với các đồng nghiệp đang ở vùng có dịch và hy vọng những tin tức tốt lành.
Mới đây, một trong những bệnh nhân cô từng điều trị đã được xuất viện. Tuy nhiên, diễn biến của dịch vẫn kinh khủng và Sayah hy vọng trông thấy nhiều phản hồi tích cực hơn từ cộng đồng quốc tế.
Mặc thách thức và nguy hiểm, Sayah cho biết cô sẽ trở lại Tây Phi để chiến đấu với dịch bệnh. "Khi ở đó, bạn sẽ thấy cần phải làm gì và không có câu hỏi kiểu như mình sẽ về hay ở lại?", Sayah chia sẻ.