Nhật Bản và “cuộc chiến” lắp điều hòa cho trường học

GD&TĐ - Ở Nhật Bản, có nhiều trường học đã được trang bị điều hòa không khí, trong khi vẫn còn một lượng trường học không hề nhỏ khác thì bị bỏ lại, phải ứng đối với sự bất thường của thiên nhiên và thời tiết.

Nhật Bản và “cuộc chiến”  lắp điều hòa cho trường học

Sau một mùa hè nóng nực, các em học sinh và giáo viên Nhật Bản đã trở lại trường học, nhưng một số người sẽ tiếp tục phải chịu đựng cái nóng bức trong những ngày còn lại của mùa nóng trong năm.

Theo dữ liệu thống kê của chính phủ Nhật Bản, điều hòa không khí đang trở thành một tiêu chuẩn ở hầu hết các trường công lập ở đất nước này. Nhưng một số ít các thành phố và tỉnh khác vẫn đang chống lại xu hướng này bằng một số lí do có vấn đề.

Mỗi ba năm, Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) sẽ tiến hành cuộc điều tra về số lượng phòng học với máy điều hòa không khí. MEXT đã công bố các kết quả từ cuộc khảo sát gần đây nhất vào hồi tháng 6 năm nay.

Cuộc khảo sát năm 2017 này cho thấy 41,7% của tất cả các trường tiểu học và trường trung học cơ sở công lập ở Nhật Bản đều có điều hòa không khí, tăng 12% so với dữ liệu cách đây ba năm.

Con số này đã bao gồm các lớp học thông thường, cũng như phòng thí nghiệm khoa học, phòng máy tính và các phòng khác được sử dụng cho các mục đích đặc biệt.

Năm nay, 17 tỉnh có trên 50% phòng học được lắp đặt điều hòa không khí, so với chỉ sáu tỉnh trong năm 2014. Những em học sinh thuộc các cấp lớp cao hơn cũng nhận được nhiều sự trợ giúp hơn trong việc đối phó với cái nóng: 74.1% các lớp học trung học phổ thông công lập có máy điều hòa không khí.

Khi MEXT bắt đầu thu thập số liệu vào năm 1998, chỉ 3.7% số lớp học thông thường có máy điều hòa không khí. Trong năm 2010 – năm mà Chính phủ Nhật Bản bắt đầu trợ cấp để trang trải 1/3 chi phí lắp đặt, chỉ có 16% số lớp học có điều hòa mà thôi.

Không phải tất cả trẻ em đều được làm mát như nhau

Dữ liệu của MEXT cũng cho thấy trên khắp đất nước Nhật Bản, khả năng được tiếp cận điều hòa không khí của học sinh cũng không bình đẳng.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tỉnh phía bắc lạnh hơn của Nhật Bản cũng không vội vàng lắp đặt điều hòa không khí. Tại Hokkaido chỉ có 60 trong số 18.034 phòng học tiểu học và trung học cơ sở có máy điều hòa.

Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy trẻ em ở một số tỉnh của Nhật đang phải học trong những chiếc hộp nóng đến đổ mồ hôi, trong khi học sinh ở các tỉnh lân cận thì lại được học trong những phòng học đầy mát mẻ.

Nhưng đây lại không chỉ đơn thuần là vấn đề các thành phố giàu có mới có tiền chi trả cho điều hòa không khí, còn các làng xã không có điều kiện không thể chi trả được, mà phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách của từng vùng.

Ví dụ như khu vực đô thị Tokyo có tỷ lệ lắp đặt cao nhất trong các lớp tiểu học và trung học cơ sở là 99,9%, nhưng tỉnh có tỷ lệ cao thứ hai là tỉnh Kagawa của Shikoku (hòn đảo nhỏ nhất và có dân số ít nhất trong bốn hòn đảo chính của Nhật) ở mức 97,7%, còn tỉnh Fukui đứng thứ 3 với 86,5%.

Kyushu (hòn đảo lớn thứ ba của Nhật) là một ví dụ điển hình về việc các tỉnh có các ưu tiên khác nhau. Tỉnh Fukuoka có 65,5% số phòng học có điều hòa không khí, trong khi tại tỉnh Nagasaki con số này chỉ là 8,6%. Bốn tỉnh khác của Kyushu có tỷ lệ lắp đặt điều hòa dưới 40%.

Một số tỉnh đang cố gắng thu hẹp khoảng cách về lắp đặt điều hòa với các tỉnh láng giềng. Ví dụ, trong khi chỉ có 26% số phòng học của tỉnh Okayama có điều hòa không khí, thì đây cũng là sự cải thiện đáng kể so với con số 10,8% của năm 2014.

Tỉnh Aichi cho thấy thành tựu tương tự, tăng số phòng học thông thường được trang bị điều hòa không khí từ 12,9 % trong năm 2014 lên 35,7 % trong năm nay.

Tạt nước lạnh lên ý tưởng

Trong khi đó, cũng có những tỉnh và thành phố khác tỏ ra ít có mong muốn thu hẹp hay xóa bỏ khoảng cách trong việc làm mát cho học sinh này. Năm 2017, tỉnh Ehime chỉ có 5,9% số lớp học tiểu học và trung học cơ sở có điều hòa không khí, chỉ tăng nhẹ từ mức 4,6 % được báo cáo vào năm 2014. Tỉnh Nara chỉ tăng từ 6,1% lên 7,4 % trong khoảng thời gian ba năm này.

Một bài viết của thành viên Hội đồng tỉnh Nara Misaka Ioku của đảng Dân chủ đăng trên blog về việc kêu gọi lắp đặt máy điều hòa cho trường học đã giải thích tỷ lệ ít ỏi này.

Loku viết rằng các thành viên hội đồng chống lại ý tưởng này vì hai lý do. Một số nói rằng họ không muốn chi tiêu tiền cho việc khác, trước khi mọi trường học trong địa bàn đã được cập nhật những đổi mới để chống động đất; số khác thì cho rằng bởi vì đất nước Nhật Bản có bốn mùa tươi đẹp, và Nhật Bản có một trái tim kiên cường có thể chịu đựng, nên lắp đặt điều hòa không khí sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của học sinh.

Trẻ em nhạy cảm với những biến đổi thất thường của thời tiết ở tỉnh Nara sẽ phải chờ đợi và lựa chọn trường trung học của mình một cách khôn ngoan, bởi vì chỉ hơn một nửa số trường trung học công lập ở Nara có máy điều hòa không khí – do các hiệp hội phụ huynh và giáo viên của trường chi trả.

Ở thành phố Chiba – một trong số ít các thành phố Kanto (khu vực thuộc đảo Honshu – hòn đảo lớn nhất Nhật Bản) không có phòng học máy lạnh, các thành viên hội đồng thành phố đã từ chối các lời kêu gọi cài đặt điều hòa.

Vào năm 2014, Yohei Kabasawa của Đảng Cộng sản Nhật Bản đã cho biết rằng trong các cuộc thảo luận của hội đồng thành phố Chiba, một thành viên Đảng Dân chủ Tự do đã phản đối việc lắp điều hòa không khí trong các trường học với lập luận rằng:

“Lắp đặt máy điều hòa không khí có thể làm cho con người bị bệnh. Cũng cần phải có một tinh thần mạnh mẽ”. Thị trưởng Toshihito Kumagai – người điều hành độc lập cho biết rằng thành phố cần phải trả tiền cho việc tăng cường chống động đất trong các trường học và do đó không đủ khả năng chi trả chi phí này.

Trong chiến dịch bầu cử thị trưởng năm 2017 của Chiba, Takashi Ono - ứng cử viên của Đảng Cộng sản Nhật đã lấy lắp đặt máy điều hòa không khí trong trường học là quan điểm chính trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông đã thua trong cuộc bầu cử.

Tại Tokorozawa thuộc tỉnh Saitama, tiếng ồn từ căn cứ không quân Iruma làm cho việc mở cửa sổ lớp học ở một số trường học gần như không thể.

Nhưng vào năm 2012, thị trưởng mới Masato Fujimoto hủy bỏ kế hoạch lắp đặt điều hòa không khí, lập luận rằng học sinh phải sống hòa hợp với thiên nhiên sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng ở miền đông Nhật Bản năm 2011 gây ra những hậu quả khủng khiếp trong đó nổ lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima.

Năm 2015, các bậc cha mẹ thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý không ràng buộc về vấn đề này và 65% cư dân bỏ phiếu ủng hộ điều hòa không khí tại các trường học thành phố. Fujimoto đã thỏa hiệp bằng cách đồng ý cài đặt điều hòa không khí ở một trường trung học cơ sở nằm cách căn cứ không quân 2km.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ