Nhật Bản: Thu hút giới trẻ quan tâm tới Olympic

GD&TĐ - Nhật Bản vừa chính thức khởi động bình chọn linh vật cho Olympic và Paralympic (Olympic cho người khuyết tật) Tokyo 2020. Điều đặc biệt ở chỗ những người bỏ lá phiếu bình chọn là học sinh tiểu học. Việc khơi gợi sự quan tâm của thế hệ trẻ tới những giá trị của Thế vận hội là đích đến trong cuộc bình chọn này.

Nhật Bản:  Thu hút giới trẻ quan tâm tới Olympic

Cách bình chọn sáng tạo

6,5 triệu học sinh tiểu học tại hơn 20.000 trường học Nhật Bản được trao quyền lựa chọn một trong 3 cặp linh vật được lựa chọn từ danh sách rút gọn – mỗi cặp gồm 1 linh vật cho Olympic và 1 linh vật cho Paralympic.

Mỗi lớp sẽ thống nhất lựa chọn một phiếu bầu trong thời gian 10 tuần.

Sau khi khi sơ duyệt 2.042 linh vật được xã hội đề xuất, Ủy ban Tổ chức Olympic và Paralympic (Tokyo 2020) đã rút gọn còn 3 cặp linh vật và công bố ngày 7/12.

Thông qua khuyến khích thảo luận trong lớp học, Tokyo 2020 muốn trẻ hiểu biết về ý nghĩa của linh vật trong Olympic và Paralympic, cũng như giá trị của phong trào Olympic và Paralympic.

Chủ nhiệm Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons cũng đề cao sáng kiến trong việc bình chọn linh vật. “Những mẫu 3D linh vật có thể sờ và cảm nhận được mang lại sự thích thú cho trẻ em bình chọn” – Parsons nói.

Yoshiro Mori, Chủ tịch Tokyo 2020, bày tỏ: “Tôi muốn các trường nhân cơ hội này khuyến khích học sinh thảo luận trước khi bình chọn. Bằng việc này, trẻ sẽ nhớ mãi trong quãng đời còn lại rằng mình là một phần quan trọng trong hoạt động Olympic quốc tế. Tất cả các trường học tại Nhật đều có quyền bình chọn. Tôi muốn mọi người đều tham gia”.

Ngay trong ngày đầu tiên phát động bình chọn, tại Trường Tiểu học Tobitakyu, học sinh thảo luận về thiết kế trước khi bình chọn. Trường này nằm tại thành phố Chofu, Tokyo, nơi có sân vận động Tokyo – địa điểm tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chày và 5 môn phối hợp hiện đại; cũng như có trung tâm thể thao Musashino – nơi tổ chức thi đấu cầu lông và bóng rổ xe lăn cho người khuyết tật.

Cơ hội giúp trẻ yêu mến Olympic

Để hỗ trợ việc bình chọn linh vật trong lớp học, Tokyo 2020 kết hợp với Đại học Tsukuba và Cơ quan Thể thao Nhật Bản đã chuẩn bị “Bài giảng mẫu cho giáo viên”. Theo đó giáo viên có thể chọn 1, 2 hoặc 3 tiết giảng

45 phút. Mục đích giúp giáo viên hiểu về những giá trị của Olympic và Paralympic cũng như giải thích vai trò của linh vật Olympic.

Bình chọn linh vật là một trong những hoạt động nâng cao nhận thức cho học sinh nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung về sự kiện thể thao lớn nhất thế giới 4 năm/lần này.

Bộ Khoa học và Giáo dục Nhật Bản đã quyết định triển khai nội dung giảng dạy “giáo dục Paralympic” tại các trường tiểu học và THCS trên toàn quốc từ năm 2018.

Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết mục đích của hoạt động này là nhằm giúp các học sinh hiểu biết hơn về người khuyết tật, cũng như có những chia sẻ và quan tâm đối với những người không may này.

Việc giáo dục về Paralympic sẽ được tiến hành trên các lĩnh vực về ngôn ngữ, thể chất, ký hiệu… Nội dung là truyền tải cho học sinh thiếu nhi về ý nghĩa của đại hội thể thao, hiện trạng thể thao của những người khuyết tật trên thế giới và những nỗ lực vượt qua khuyết tật để tham gia cạnh tranh trong đại hội thể thao cho người khuyết tật.

Các lớp tiểu học bình chọn và gửi phiếu bầu tới 22/2. Các trường quốc tế tại Nhật Bản và các trường Nhật Bản ở nước ngoài cũng được tham gia bình chọn. Cặp linh vật nhận nhiều phiếu bầu nhất sẽ được tuyên bố chiến thắng vào 28/2. Ủy ban tuyển chọn sau đó sẽ quyết định tên của cặp linh vật chiến thắng và chính thức công bố vào tháng 7 hoặc 8/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.