Nhật Bản quyết tâm cải cách dạy Anh ngữ

GD&TĐ - Việc dạy Anh ngữ trong hệ thống trường học Nhật Bản sẽ trải qua cải cách lớn trong tương lai gần khi chính phủ nỗ lực nâng cao kĩ năng nhân lực trong thời đại toàn cầu hoá. 

Nhật Bản quyết tâm cải cách dạy Anh ngữ

Sự chuyển đổi lớn nhất sẽ diễn ra ở các trường tiểu học công lập, nơi tiếng Anh sẽ lần đầu tiên trở thành môn học chính thức cùng với SGK thống nhất. Theo kế hoạch, thay đổi bắt đầu từ 2020 sau giai đoạn 2 năm chuyển tiếp.

Sức ép cải cách

Năm 2020, tiếng Anh sẽ trở thành môn bắt buộc cho học sinh lớp 5 và 6 thay cho tiết “hoạt động ngoại ngữ” hiện nay chỉ dạy trẻ kĩ năng nói và nghe.

Như vậy số giờ học Anh ngữ hàng năm sẽ tăng từ 35 hiện tại lên 70; lần đầu tiên sẽ dạy cả kĩ năng đọc và viết – theo dự thảo công bố hồi tháng Tám.

Cùng với thay đổi đó, các tiết “hoạt động ngoại ngữ” sẽ trở thành bắt buộc cho học sinh lớp 3, thay vì lớp 4 như hiện nay.

Quyết định cải cách dạy Anh ngữ được đưa ra bởi hệ thống dạy Anh ngữ hiện tại không đạt được mục tiêu của chính phủ là giúp học sinh đủ kĩ năng đàm thoại và tranh luận bằng tiếng Anh.

Trước sự toàn cầu hóa kinh tế nhanh chóng, Bộ Giáo dục đứng trước áp lực nâng cao kĩ năng Anh ngữ quốc gia. Nhưng tranh luận về vấn đề này trong những năm 1990 cho thấy nhiều người phản đối dạy Anh ngữ ở tiểu học bởi họ cho rằng trẻ sẽ bị lẫn lộn khi mà tiếng mẹ đẻ còn chưa thành thạo.

Năm 2002, Bộ Giáo dục đưa tiết Anh ngữ vào trường tiểu học nhưng không phải là môn bắt buộc mà là môn lựa chọn. Năm 2011, tiết học này chuyển thành tiết “hoạt động ngoại ngữ” với mục tiêu chính là mang tới cho học sinh lớp 5 và 6 cơ hội học tiếng Anh trong một môi trường “đời thường hơn”, như hát hoặc chơi trò chơi.

Nhiều phụ huynh cũng ủng hộ cải cách dạy Anh ngữ. Theo một khảo sát toàn quốc của Công ty GD Benesse Holdings Inc. năm ngoái với 1.565 phụ huynh có con học lớp 5 và 6, khoảng 60% không hài lòng với các tiết “hoạt động ngoại ngữ”, một tỉ lệ tương đương nói rằng thậm chí không biết chương trình này đang dạy gì.

Rào cản cho cải cách

Thiếu giáo viên Anh ngữ có năng lực là rào cản lớn nhất – theo các chuyên gia.

Theo hệ thống hiện tại, hầu hết địa phương thuê người nói tiếng Anh bản xứ hoặc người Nhật “biết nói tiếng Anh” hỗ trợ giáo viên tiểu học, trong đó một số người hỗ trợ lĩnh vai trò giảng dạy chính. Nhưng khi tiếng Anh trở thành môn bắt buộc vào năm 2020, hiển nhiên là giáo viên phải đứng lớp giảng dạy chính.

Theo nghiên cứu của Bộ Giáo dục trong năm tài chính 2015, chỉ 4,9% giáo viên tiểu học được cấp phép dạy Anh ngữ. Nhiều người thậm chí không biết dạy thế nào bởi lâu nay họ không cần chứng chỉ dạy Anh ngữ.

Chính phủ đã bắt đầu mở khóa đào tạo đặc biệt từ năm 2014 với kế hoạch có khoảng 1.000 giảng viên Anh ngữ vào năm 2018, những người có khả năng đào tạo giáo viên Anh ngữ. Tuy nhiên nhu cầu thực tế là vô cùng lớn, dự kiến vào năm 2020 cần khoảng 144.000 giáo viên Anh ngữ.

Bất chấp những nỗ lực trong dạy Anh ngữ, Nhật Bản vẫn có kết quả kém nhất ở châu Á trong kì thi Anh ngữ chuẩn quốc tế TOEFL. Theo Cơ quan Khảo thí GD chịu trách nhiệm giám sát kì thi này, trong số 30 quốc gia châu Á có thí sinh dự thi TOEFL năm 2015, Nhật Bản xếp thứ 5 từ đáy lên, chỉ trên Afghanistan, Campuchia, Tajikistan và Lào. Hàn Quốc, nơi Anh ngữ trở thành môn bắt buộc ở tiểu học từ năm 1997, xếp thứ 10. Trung Quốc, đưa Anh ngữ thành môn bắt buộc từ năm 2001, xếp thứ 17.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.