Các lãnh đạo G7 trong ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh (Ảnh: AFP)
Theo BBC, chủ đề thảo luận chính của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày là những lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, chống khủng bố, an ninh mạng cũng nằm trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo G7.
Ngoài ra, một chủ đề khác dự kiến sẽ được thảo luận là an ninh hàng hải, đặc biệt là các hành động ngày càng bành trướng của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với vài quốc gia châu Á.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho hay Nhật hoan nghênh sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, nhưng cũng nhắc lại lập trường của Tokyo nhằm phản đối các hành động nhằm cố gắng thay đổi hiện trường bằng vũ lực và hối thúc tôn trọng luật pháp - các nguyên tắc dự kiến sẽ được thảo luận trong một tuyên bố chung sau hội nghị.
Trước khi hội nghị diễn ra, gần 100.000 cảnh sát Nhật Bản đã được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về nguy cơ tấn công khủng bố.
Theo hãng tin NHK, 23.000 cảnh sát được triển khai tại sân bay quốc tế Chubu và đảo Kashikojima nơi diễn ra hội nghị. An ninh trên đất liền, trên biển và hàng không đều được đặt trong trình trạng cảnh báo cao về khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.
Lãnh đạo các nước tham gia trồng cây trước khi bắt đầu vào bàn họp (Ảnh: AFP)
70.000 cảnh sát cắm chốt tại nhiều điểm "mục tiêu mềm" như khu vực mua sắm, trạm ga tàu điện ngầm ở nhiều thành phố chính của Nhật Bản.
An ninh tại Hiroshima cũng sẽ được đảm bảo với gần 4.600 cảnh sát khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm. Ông Obama sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ thăm thành phố đã từng bị nước này ném bom hạt nhân.
Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS đã liên tục đưa ra đe dọa tấn công Nhật Bản sau khi sát hại 2 công dân nước này tại Syria năm ngoái. Gần đây, những kẻ khủng bố đã tấn công nhiều địa điểm ở Pháp và Bỉ.