Nhật Bản hỗ trợ học phí cho hơn 1.000 du học sinh Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 4/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản (Tokyo) phối hợp cùng Ngân hàng MUFG và các đối tác tổ chức Lễ tổng kết công tác hỗ trợ Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Bà Lâm Thanh Phương trao bằng kỷ niệm cho ông Tooru Mera, đại diện cho nhà tài trợ MUFG. Ảnh: TTXVN
Bà Lâm Thanh Phương trao bằng kỷ niệm cho ông Tooru Mera, đại diện cho nhà tài trợ MUFG. Ảnh: TTXVN

Chương trình này do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các đối tác, thông qua Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), triển khai từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11/2020. 

Phát biểu tại lễ tổng kết chương trình ở thủ đô Tokyo, ông Lê Đức Anh, Chủ tịch AVIJ – thành viên Ban điều hành chương trình,  cho biết sau một thời gian triển khai, Ban Điều hành đã tiếp nhận hơn 3.406 hồ sơ và từ đó, chọn ra hơn 1.060 du học sinh đủ điều kiện để trao số tiền hỗ trợ trị giá 50.000 yen/người (khoảng 10 triệu đồng/người). Đây là chương trình hỗ trợ học phí có qui mô lớn nhất từ trước tới nay và được đánh giá là đã kịp thời “tiếp sức” cho các du học sinh Việt Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Nhật Bản.

Bà Lâm Thanh Phương, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết sau khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó có các du học sinh, đã gặp rất nhiều khó khăn. Đại sứ quán đã nhận được nhiều đề nghị xin hỗ trợ từ các du học sinh Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, Đại sứ quán đã tích cực vận động các nhà tài trợ ở Nhật Bản hỗ trợ tài chính, lương thực và chỗ ở cho các đối tượng này. 

Liên quan chương trình trên, bà Phương cho biết đây là chương trình hỗ trợ học phí cho các du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Bà cũng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời từ MUFG và các đối tác cho các sinh viên Việt Nam.

Ông Tooru Mera (ngoài cùng bên trái), đại diện cho MUFG, và bà Lâm Thanh Phương (ngoài cùng bên phải) trao Bằng khen và tiền hỗ trợ cho 2 sinh viên đại diện. Ảnh: TTXVN
Ông Tooru Mera (ngoài cùng bên trái), đại diện cho MUFG, và bà Lâm Thanh Phương (ngoài cùng bên phải) trao Bằng khen và tiền hỗ trợ cho 2 sinh viên đại diện. Ảnh: TTXVN

Những niềm vui đến bất ngờ! 

“Rất vui mừng và hạnh phúc! Rất biết ơn và thấy mình may mắn…” đó là cảm nhận chung của hầu hết các bạn du học sinh nhận được hỗ trợ từ chương trình lần này. Sau khi gửi hồ sơ theo hướng  dẫn, đầu tháng 11/2020 các bạn đã nhận được email liên lạc và hỗ trợ từ phía chương trình.

Vẫn còn  trong tâm trạng “lâng lâng” sau khi nhận được email thông báo từ Ban Điều hành chương trình, bạn Trần T. (Trường cao đẳng Truyền thông quốc tế, Hàng không và dịch vụ nghỉ dưỡng Shizuoka) cho  biết: “khi nhận được tin thuộc danh sách nhận hỗ trợ từ chương trình, mình cảm thấy rất vui và hạnh  phúc, mình đã gọi điện báo tin ngay cho gia đình…”.

Đúng như vậy, đây không chỉ là niềm vui của  các bạn, mà còn mang đến sự yên tâm, tin tưởng cho gia đình của từng du học sinh được nhận hỗ trợ,  vì trong khó khăn các bạn vẫn luôn được các tổ chức, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài quan tâm. 

Để không ai bị bỏ lại phía sau! 

Sau một thời gian triển khai thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ từ Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật  Bản (AVIJ) và Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), cũng như sự giúp đỡ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng Tổ chức tài chính MUFG và các đối tác, Chương trình hỗ trợ học phí cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã “về đích” đúng hạn.

Bên cạnh đó, tốc độ xét  duyệt và việc giải ngân được tiến hành nhanh chóng là “điểm cộng” khiến chương trình nhận được  nhiều đánh giá tích cực từ các du học sinh được thụ hưởng từ chương trình này. Trong lúc thông tin  về việc dịch bệnh có khả năng bùng phát trở lại tại Nhật Bản, sự hỗ trợ đúng thời điểm này là điểm  sáng mang đến niềm tin để mỗi du học sinh tự tin bước tiếp con đường chinh phục giấc mơ tại xứ sở hoa anh đào. 

Những ảnh hưởng tới cộng đồng du học sinh Việt Nam 

Dịch bệnh diễn biến phức tạp từ đầu năm đã khiến Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới  phải “lao đao”. Lĩnh vực du lịch thiệt hại nặng nề do Olympic Tokyo 2020 phải hoãn lại, ngành công  nghiệp và thương mại bị đình trệ, tỷ lệ người mất việc làm gia tăng… Tất cả đã ảnh hưởng không  nhỏ tới đời sống và sinh hoạt không chỉ của riêng người dân Nhật Bản mà còn với cả cộng đồng  người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc.

Với các du học sinh  Việt Nam tại Nhật Bản, những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 đã làm đảo ngược hoàn toàn  những thói quen trong học tập và cuộc sống lâu nay. Bạn Đinh Thị T.T. (Trường Đại học Quốc tế Sapporo) cho biết “việc làm thêm bị hạn chế ảnh hường đến chi phí sinh hoạt, học phí. Ngoài ra, việc học và việc nắm bắt thông tin cũng trở nên hạn chế hơn…”.

Còn đối với những sinh viên đang  theo học ngành du lịch khách sạn – lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona như bạn Trần T. (Trường cao đẳng Truyền thông quốc tế, Hàng không và dịch vụ nghỉ dưỡng Shizuoka) thì: “hoạt động tìm việc gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 có tác động lớn đến ngành dịch vụ”. 

Ngoài ra, với những du học sinh đang chuẩn bị tốt nghiệp các trường đại học/sau đại học tại  Nhật Bản, đại dịch lần này còn mang tới những nỗi lo khác khi thời điểm tốt nghiệp đã gần kề. Bạn Nguyễn Thị T. L. (đang theo học chương trình sau đại học tại Đại học Nagoya) chia sẻ: “Vì mọi người  phải cách ly xã hội và tránh giao tiếp lâu dài nên mình đã không được đến phòng nghiên cứu trong hơn hai tháng để tiếp tục làm thí nghiệm, điều này đã ảnh hưởng đến thời gian tốt nghiệp của mình”.

Theo vysajp.org

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.