(GD&TĐ) – Nhật Bản đang đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuối cùng đang hoạt động và không có kế hoạch khởi động trở lại.
Lò phản ứng số 4 của Ohi là lò phản ứng cuối cùng đang hoạt động tại Nhật |
Lò phản ứng số 4 tại Ohi ở phía tây Nhật Bản đã dừng sản xuất điện vào sáng sớm hôm nay (16/9). Các nhà phân tích cho rằng Nhật sẽ không có điện hạt nhân ít nhất là cho tới tháng 12 tới. Đây là thời gian ngừng hoạt động lâu nhất kể từ những năm 60.
Dân chúng Nhật đã phản đối điện hạt nhân sau sự cố tại nhà máy Fukushima vào năm 2011. Trước khi sự cố này xảy ra sau động đất và sóng thần, các nhà máy hạt nhân của Nhật cung cấp khoảng 30% điện cho quốc gia này. Kể từ khi những nhà máy này bị đóng cửa vì lý do bảo trì hoặc lo ngại về độ an toàn, chúng vẫn chưa được hoạt động trở lại.
Nhật Bản đã không có điện hạt nhân vào tháng 5 và tháng 6 năm ngoái, nhưng Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn được phép khởi động lại những lò phản ứng ở Ohi.
Chính phủ Nhật Bản cũng chịu áp lực phải thắt chặt những tiêu chuẩn an toàn để dân chúng bớt lo sợ. Các nhà phân tích cho rằng sẽ mất khoảng 6 tháng để hoàn thành những kiểm tra về độ an toàn cũng như những thủ tục pháp lý để có thể khởi động lại các lò phản ứng.
Đến nay, các công ty điện đã xin khởi động lại khoảng hơn 10 trong số 50 lò phản ứng của Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe muốn thấy các lò phản ứng này hoạt động trở lại bình thường vì chúng là một phần quan trọng trong kế hoạch khôi phục kinh tế của ông.
Kể từ khi xảy ra thảm họa Fukushima, Nhật đã buộc phải nhập một lượng than lớn, khí ga lỏng tự nhiên và những nhiên liệu khác. Chính quyền ông Abe cho rằng việc nhập khẩu này đã gây ra thâm hụt thương mại lớn cho Nhật Bản kể từ năm xảy ra thảm họa (2011).
Hà Châu (Theo BBC)