Giảng viên Trần Văn Luận (Trường ĐH Đồng Tháp) đã đưa ra các bước thực hiện cụ thể trong việc thực hiện các phương pháp dạy học tích cực khi lên lớp nội dung này. Đồng thời nhấn mạnh: Thành công hay thất bại khi ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới, tích cực khó có thể đánh giá thông qua những con số.
Nhưng bản thân người dạy phải luôn cố gắng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp ứng dụng trong giảng dạy và thành công sẽ được thể hiện bằng sự thành công của những người học trong công việc sau này, bằng sự công nhận của xã hội về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Những gợi ý của giảng viên Trần Văn Luận rất bổ ích, không chỉ cho các giảng viên ngành Công tác xã hội.
Thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm là một trong những phương pháp có sự tham gia tích cực của học viên. Mọi cá nhân được tự do bày tỏ quan điểm, tạo thói quen sinh hoạt bình đẳng, biết đón nhận quan điểm bất đồng, hình thành quan điểm cá nhân, giúp người học rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề khó khăn. T
hảo luận nhóm có thể thực hiện dưới 2 hình thức: Thảo luận nhóm lớn (có cả lớp) và thảo luận nhóm nhỏ (5 - 7 người).
Thảo luận nhóm nhỏ được sử dụng khi khuyến khích sự tham gia suy nghĩ và phát biểu tích cực của mọi thành viên trong lớp học (các thành viên cũng tự nhiên và tự tin hơn khi tham gia bàn luận trong nhóm nhỏ, hơn là nhóm lớn, khắc phục được tâm lý e ngại).
Nhóm nhỏ được sử dụng khi vấn đề có tính nhạy cảm, tế nhị, dễ dang chia sẻ kinh nghiệm để đánh giá hay ý tưởng sáng tạo mới.
Các bước thực hiện khi vận dụng phương pháp này như sau:
Giảng viên chuẩn bị vấn đề thảo luận (đặt câu hỏi mở nhằm mục đích cung cấp kiến thức, làm sáng tỏ vấn đề, cũng cố kiến thức, hay tìm hướng hỗ trợ).
Ví dụ: Ở Chương I, giảng viên có thể chuẩn bị một số câu hỏi để sinh viên thảo luận như: Phân biệt sự giống và khác nhau giữa công tác xã hội và công tác từ thiện? Vì sao nhu cầu cấp bách của xã hội hiện nay cần có nghề công tác xã hội?
Sau khi giảng viên giao câu hỏi thảo luận và nêu yêu cầu thời gian thực hiện thảo luận, thời gian lý tưởng nhất là từ 15 - 20 phút.
Tiếp theo giảng viên phân nhóm (5 - 7 người/nhóm). Có thể chia theo vị trí chỗ ngồi; theo đặc điểm cá nhân (độ tuổi, giới tính, vùng địa lý, sở thích, cùng con số, cùng chuyên môn, đặc điểm ngoại hình…)
Giảng viên chỉ định/sắp xếp nơi thảo luận cho mỗi nhóm. Yêu cầu các học viên về nhóm thảo luận và đề nghị mỗi nhóm có phân công trách nhiệm: Điều hành, thư ký ghi chép trên giấy lớn/nhỏ, người báo cáo lại….
Giảng viên quan sát, điều chỉnh chỗ ngồi, nhắc nhở hay hỗ trợ khi nhóm nào cần. Sau đó, hướng dẫn học viên quay về lớp khi các nhóm thảo luận xong và đề nghị mỗi nhóm trình bày phần thảo luận, hoạt động của mình theo một số cách:
Một nhóm báo cáo, các nhóm khác bổ sung; các nhóm lần lượt báo cáo sau đó mới bổ sung.
Họp chợ: Các nhóm dán kết quả thảo luận lên tường và cử một người đứng gần thuyết minh, các thành viên trong lớp đi vòng quanh, đọc kết quả của mỗi nhóm và đưa ra câu hỏi nếu vấn đề cần làm rõ.
Quả bóng tuyết: Luân chuyển lần lượt cho các nhóm khác đọc kết quả (ví dụ nhóm 1 đọc kết quả nhóm 2, nhóm 2 đọc kết quả nhóm 3…)
Biểu diễn kết quả bằng hình tượng (kịch, vẽ).
Giảng viên đúc kết, bổ sung ý kiến, nhấn mạnh nội dung quan trọng, tóm tắt…. (kết luận).
Phương pháp sắm vai
Giảng viên chuẩn bị chủ đề cho sinh viên sắm vai. Ví dụ, ở Chương III, để sinh viên nắm vững các nguyên tắc trong thực hành công tác xã hội giáo viên có thể sử dụng phương pháp sắm vai.
Cụ thể, trong công tác xã hội cơ bản có 7 nguyên tắc là chấp nhận thân chủ; thân chủ cùng tham gia giải quyết vấn đề; dành quyền tự quyết cho thân chủ; cá biệt hóa; giữ bí mật thông tin cho thân chủ; tự ý thức bản thân; đảm bảo mối quan hệ nghề nghiệp.
Giảng viên có thể chọn 4 hoặc 5 nguyên tắc và phát thảo nội dung kịch bản trước ở nhà khi lên lớp có thể định hướng cho các nhóm trước khi bắt đầu.
Sau khi đã chuẩn nội dung giảng viên chia nhóm và giao nhiệm vụ sắm vai cho từng nhóm có quy định thời gian chuẩn bị và thời gian sắm vai.
Cho học viên thống nhất phân vai và kịch bản dàn dựng, yêu cầu: Các nhóm thống nhất kịch bản; kịch bản đảm bảo nêu bật vấn đề mà bài học cần giải quyết; kịch bản phải có cao trào.
Để có kịch bản tốt, giảng viên có thể viết sẵn kịch bản hoặc đưa ra những ý tưởng để cho học viên sáng tạo lời thoại.
Sắm vai: Cho các nhóm tiến hành sắp vai (lần lượt từng nhóm lên diễn). Các nhóm còn lại là quan sát viên và tập trung vào sự biểu hiện thái độ, sự phù hợp giữa biểu hiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biểu cảm nét mặt, sự ứng phó hợp lý trước các tình huống xảy ra.
Phân tích sau khi đóng vai
Giảng viên đưa ra những câu hỏi phù hợp để hướng dẫn học viên phân tích và rút ra bài học. Các câu hỏi đưa ra phải theo trình tự từ dễ đến khó (từ gợi nhớ đến hình ảnh, diễn biến đến phân tích nguyên nhân và rút ra bài học).
Các câu hỏi được chia thành 4 nhóm cơ bản: Nhớ lại diễn biến vở kịch, phân tích cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật, câu hỏi đánh giá, câu hỏi áp dụng.
Hỏi cả người sắm vai và người quan sát về những cảm nhận và những điều mình quan sát được.
Giảng viên phân tích những mặt tốt, hợp lý của kịch bản và vai diễn. Đặc biệt nhấn mạnh đến sự tham gia của các nhóm diễn và nhóm quan sát, chỉ ra ý nghĩa của phương pháp sắm vai.
Phương pháp Bể cá
Giảng viên chuẩn bị bài tập cho nhóm cá được thiết kế theo mục tiêu của bài học (bài tập phải sinh động và thực tế).
Ví dụ: Ở chương VI, có thể áp dụng phương pháp bể cá trong rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm trong công tác xã hội. Cụ thể cho nhóm cá thảo luận về một buổi làm việc nhóm và nhóm quan sát xem diễn biến làm việc của nhóm là như thế nào? Vai trò của nhóm trưởng và các thành viên nhóm như thế nào?...
Giảng viên chuẩn bị phiếu quan sát cho nhóm quan sát (bài tập phải chi tiết về hành động, lời nói, diễn biến thái độ những thành viên nhóm cá).
Chia nhóm và giao bài tập: Chia 2 nhóm (nhóm cá và nhóm quan sát). Lưu ý nhóm quan sát có nhiệm vụ phân tích các thông tin ghi chép do vậy nhóm quan sát phải là những người có khả năng phân tích và khái quát.
Giảng viên bố trí chỗ ngồi cho nhóm cá ở giữa lớp. Nhóm quan sát ngồi xung quanh nhóm cá, cách nhóm cá khoảng 2-3 mét, nếu có điều kliện ngồi cao hơn thì tốt. Yêu cầu thời gian thực hiện không quá 20 phút.
Thực hiện bài tập: Giảng viên yêu cầu nhóm cá bắt đầu thực hiện bài tập và yêu cầu nhóm quan sát bắt đầu quan sát.
Giảng viên chú ý đến không khí và tiến độ làm việc của nhóm cá để điều chỉnh nếu cần.
Phân tích và rút ra bài học: Hướng dẫn nhóm cá và nhóm quan sát phân tích và trình bày báo cáo
Yêu cầu nhóm cá trình bày kết quả trước, vì phần phân tích nhóm cá mang tính nêu vấn đề.
Yêu cầu nhóm quan sát báo cáo sau vì báo cáo của nhóm quan sát phụ thuộc vào các vấn đề nhóm cá đưa ra
Giảng viên tổng kết, đánh giá, chốt lại vấn đề: Tập trung phân tích sự tham gia của nhóm cá; làm rõ mục tiêu đặt ra khi sử dụng phương pháp này.