Nhanh chóng phát hiện, khẩn trương dập dịch

Nhanh chóng phát hiện, khẩn trương dập dịch

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, tính đến thời điểm chiều 17/2, cả nước có 17 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 15 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là trên 62.200 con.

Cụ thể, ngày 17/2 phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Tổng số gia cầm bị chết và tiêu hủy là hơn 740 con. Ngày 16/2, phát sinh 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại tỉnh Thanh Hóa và 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Trà Vinh. Ổ dịch tại Thanh Hóa xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm thuộc phường Đông Hải, TP Thanh Hóa với 970 gia cầm mắc bệnh bị chết và tiêu hủy toàn bộ.

Như vậy, riêng tại Thanh Hóa đã xuất hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Tại Trà Vinh, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Châu Điền và xã Hào Ân thuộc huyện Cầu Kè. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là trên 1.700 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh đã tiến hành các biện pháp khoanh vùng, khử trùng, dập dịch, không để mầm bệnh lây lan.

Trước đó, tại hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu những yếu tố làm dịch cúm dễ xảy ra ở Việt Nam, như mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu, không tiêm phòng vắc xin... Ông khuyến cáo, các địa phương không được chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát rất lớn.

Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đang triển khai các giải pháp cấp bách để hạn chế dịch bệnh lây lan. Cụ thể, triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm, trong quý I/2020, lượng vắc xin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc xin cúm gia cầm sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều.

Nhiều năm qua, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt việc xây dựng các chuỗi chăn nuôi gia cầm, các vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đến nay, đã có 821 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm đạt an toàn dịch bệnh, bao gồm: 12 vùng cấp huyện (cả huyện đạt an toàn dịch bệnh) và 809 cơ sở, chuỗi an toàn dịch bệnh.

Về kiểm soát vận chuyển gia cầm và kiểm soát giết mổ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Ban Chỉ đạo quốc gia 389 đề nghị tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm.

Mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có Văn bản 29/VPTT-TH đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, trong đó có lực lượng hải quan, biên phòng cửa khẩu tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm phát sinh thêm những ổ dịch mới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, nhất là ngành thú y bám sát địa bàn, nhanh chóng phát hiện ổ dịch mới. Khi phát hiện ổ dịch cần khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng khử trùng, dập dịch, không để mầm bệnh lây lan. Đồng thời, cần chú ý đến các hộ sản xuất nhỏ và rà soát lại, xác định vùng chưa tiêm phòng để tập trung tiêm phòng vắc xin. Đặc biệt, cần tổng vệ sinh môi trường, khử trùng bằng vôi bột và triển khai thực hiện đồng loạt nhằm hạn chế dịch bệnh...

Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, đối với gia cầm phải tiêu hủy do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bệnh bắt buộc phải tiêu hủy sẽ được hỗ trợ trực tiếp là 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng). Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất cần phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên UBND cấp xã để giải quyết theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.