Theo lời thuyết minh của nhân viên bảo tàng, đây là kỷ vật được bà Phùng Thị Sắc - Vợ đồng chí Lùng - trao tặng bảo tàng. Hồ sơ lý lịch gồm 12 trang, được đồng chí Lùng viết tay, kể lại về quá trình tham gia hoạt động cách mạng của bản thân.
Đồng chí Lộc Văn Lùng là người dân tộc Tày, sinh tháng 10/1903, tại Mai Pha (Cao Lộc, Lạng Sơn). Vốn xuất thân từ một cai đội, sau khi được giác ngộ cách mạng, Lộc Văn Lùng được sang học quân sự tại Trung Quốc, cuối năm 1943 thì về nước hoạt động ở vùng Hà Quảng.
Tháng 12/1944, ông được chọn vào Đội VNTTGPQ và mang bí danh Văn Tiên. Trong đội, đồng chí Lùng thường được anh em suy tôn làm “anh cả” bởi hai nhẽ: Ông là người lớn tuổi nhất và là người tay hòm chìa khóa, lo “cơm ngon, canh ngọt” cho cả đội.
Vốn là người hiền lành, ít nói, thật thà và cẩn thận nên khi Đội VNTTGPQ được thành lập, Văn Tiên được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho làm quản lý của đội.
Với nguồn ngân quỹ ban đầu là 500 đồng được giao, việc đầu tiên của đồng chí Lùng là mua ngay một chiếc chảo to để nấu cơm cho cả đội và tìm mua một số thuốc, giúp chữa sốt rét cho anh em.
Sau buổi lễ ra mắt của Đội VNTTGPQ, đồng chí Lùng đã tổ chức nấu bữa cơm nhạt đạm bạc không muối để thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ của cán bộ, chiến sĩ toàn đội.
Trong hai trận đầu ra quân đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần, việc tiếp tế lương thực gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ với 20 đồng bạc Đông Dương do tổ chức giao cho, đồng chí Lùng vẫn bảo đảm kịp thời cơm nước, thuốc men cho toàn đội đánh thắng trận đầu.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét về người quản lý của đội: “Coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ, chỉ có một nguyện vọng là được trao lại nhiệm vụ quản lý cho một đồng chí khác để trực tiếp cầm súng chiến đấu”.
Trong bản lý lịch của mình, Lộc Văn Lùng viết: “Tôi làm quản lý tuyên truyền lúc đi đánh đồn hay đi phục kích cũng muốn cùng anh em đi đánh để được cầm súng trực tiếp bắn thằng Pháp, nhưng cấp trên không thay đổi cho…".
Với những đóng góp khi thành lập Đội VNTTGPQ và sau này công tác, Lộc Văn Lùng được xem như là nhân viên tài chính đầu tiên của quân đội ta. Ông về hưu ngày 1/11/1965 với quân hàm Đại úy; chức vụ cao nhất trước khi nghỉ hưu là Tiểu đoàn phó, thuộc cơ quan Đối ngoại Bộ Quốc phòng. Ông mất ngày 20/12/1969 tại quê nhà.