Người nhân viên LHQ, 56 tuổi đã qua đời vì virus Ebola tại bệnh viện St Georg ở Leipzig, Đức. Ảnh: EPA |
Các bác sĩ tại bệnh viện St Georg ở Leipzig cho biết, người đàn ông nói trên đã qua đời vào sáng sớm ngày 14/10. Ông đang là đại diện y tế của Liên hợp quốc tại Liberia - một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch bùng phát hiện nay, khi nhiễm virus Ebola.
Vị đại diện của LHQ đã được đưa về Đức chữa trị hôm 9/10, trong một phòng cách ly đặc biệt.
"Bất chấp những biên pháp y tế chuyên sâu và các nỗ lực tối đa của đội ngũ y, bác sĩ, vị đại diện LHQ 56 tuổi đã không qua khỏi trước căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng", trích một tuyên bố của bệnh viện St Georg.
Các nguồn tin địa phương cho biết, nhân viên LHQ nói trên là người Sudan. Ông là bệnh nhân Ebola thứ 3 được chữa trị tại Đức sau khi nhiễm mầm bệnh ở vùng dịch tại châu Phi.
Một bệnh nhân vẫn đang được chữa trị tại một bệnh viện ở Frankfurt, trong khi một bệnh nhân khác đã được xuất viện ở Hamburg sau 5 tuần điều trị.
Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, dịch Ebola hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người kể từ khi bùng phát hồi tháng 3, chủ yếu ở các nước Tây Phi là Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria. WHO nói, dịch Ebola đang gây ra "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cấp tính nghiêm trọng nhất thời hiện đại".
Một số nước, trong đó có cả Mỹ và Anh, đã cho áp dụng việc soi kiểm bệnh Ebola tại các sân bay. Theo đó, những người đến sân bay Heathrow ở London, Anh và 5 trong số các sân bay lớn của Mỹ từ Liberia, Sierra Leone và Guinea sẽ phải khai báo với nhà chức trách và có thể được đo thân nhiệt.
Theo các chuyên gia, các nhân viên y tế nằm trong số những người có nguy cơ cao nhất nhiễm Ebola. Chỉ tính riêng ở Liberia, đã có hơn 90 y tá và bác sĩ thiệt mạng vì virus nguy hiểm này. Phớt lờ các lời kêu gọi, nhiều y, bác sĩ và nhân viên hỗ trợ y tế tại đất nước này đã đình công vì tiền lương và điều kiện làm việc.