Nhân rộng các mô hình hỗ trợ lao động di cư

GD&TĐ - Theo Tổng cục Thống kê, ước tính đến năm 2019 sẽ có khoảng 5 triệu người, tương đương 5% dân số, di cư từ nông thôn ra thành thị. 

Nhân rộng các mô hình hỗ trợ lao động di cư

Độ tuổi di cư có xu hướng trẻ hóa và trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp; thu nhập từ công việc thấp và không ổn định, đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…

Tập huấn kế hoạch kinh doanh

Trước những khó khăn chính mà lao động di cư, đặc biệt là lao động di cư khu vực phi chính thức đang phải đối mặt, mấy năm gần đây, một số tổ chức xã hội trong nước và quốc tế tại Việt Nam đã có những chương trình, dự án với các mô hình can thiệp hỗ trợ lao động di cư. Các mô hình này được tổ chức đa dạng về hình thức, trong đó có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao cơ hội tiếp cận an sinh xã hội và cải thiện điều kiện sinh kế của người lao động (NLĐ) di cư.

Chia sẻ về mô hình Hợp tác xã di cư Ngày mới (HTX), bà Nguyễn Thu Giang - Viện phó Viện Phát triển cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cho biết: HTX được thành lập từ năm 2011, với mục đích liên kết những người di cư để giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, trao đổi kiến thức và hoạt động công tác xã hội, hỗ trợ cho những NLĐ di cư khác trong cộng đồng. Thành viên là những lao động di cư làm nhiều nghề khác nhau, từ xe ôm, bốc vác, bán hàng rong, giúp việc, chăn nuôi… Họ đã cùng đóng góp khoản vốn ban đầu là 300.000 đồng/người để thể hiện sự cam kết khi tham gia HTX.

Các thành viên HTX đã được LIGHT hỗ trợ tập huấn về lập kế hoạch và triển khai các kế hoạch kinh doanh nhỏ, thử nghiệm việc quản lý một khoản quỹ nhỏ hỗ trợ cho các mô hình kinh doanh hộ gia đình. Khoản quỹ nhỏ này, được quay vòng và hỗ trợ cho hơn 30 lượt hộ gia đình kinh doanh với số vốn vay từ 1 - 4 triệu đồng/mô hình, giúp cho một số hộ gia đình cá nhân người di cư phát triển kinh tế tốt hơn… Bà Nguyễn Thu Giang cho rằng, với phương thức hoạt động trên, người lao động di cư sẽ phát huy được các nguồn lực nội sinh, để từng bước không phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

Phổ biến kiến thức lao động

Nhóm lao động giúp việc gia đình được Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng và Hội Phụ nữ cấp cơ sở lựa chọn là đối tượng hỗ trợ. Câu lạc bộ dành cho lao động giúp việc gia đình (CLB) được thiết lập và vận hành ngay tại nơi NLĐ di cư và làm việc. Mô hình được thực hiện thí điểm tại phường Nghĩa Tân, Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và 2 phường Tân Định, Đa Kao (quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Với đặc điểm của những lao động tham gia nghề giúp việc gia đình: Chủ yếu là phụ nữ (98,6%); học vấn thấp; 91,6% không có lương hưu, trợ cấp thường xuyên. Trong khi đó, lao động giúp việc gia đình có nhiều rủi ro: 20,2% người giúp việc bị mắng chửi, thậm chí có những lao động còn bị gia chủ bạo hành; 4% người giúp việc bị cấm tiếp xúc; 1,8% số người được hỏi cho biết họ bị chủ nhà giữ lương; và có tới 16% người giúp việc gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục. CLB giúp việc gia đình ra đời nhằm vận động chủ sử dụng lao động kí kết hợp đồng lao động, mua BHYT cho người giúp việc.

Tham gia CLB, người lao động được phổ biến các kiến thức liên quan đến lao động giúp việc gia đình; kỹ năng ứng xử, giao tiếp; đồng thời CLB còn là nơi cung cấp địa chỉ tin cậy để bảo vệ người lao động trong các trường hợp bị lạm dụng, bị bạo lực...

Những mô hình hỗ trợ lao động di cư đang bắt đầu hoạt động hiệu quả cho thấy nó cần được nhân rộng, phát triển. Kỳ vọng tới đây, các mô hình này sẽ dần cải thiện sinh kế cho lao động di cư, quan trọng hơn là giúp họ hiểu và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội để có thể bảo đảm quyền lợi của mình.

Theo bà Nguyễn Thu Giang: “Để nhân rộng các mô hình hỗ trợ lao động di cư tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội, cần sự vào cuộc của tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng được nhóm tự quản, nòng cốt từ chính lao động di cư để tuyên truyền, phổ biến chính sách”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ