Nhân lực ngành logistics: Nhận diện khủng hoảng

GD&TĐ - Năm 2019 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong đào tạo nhân lực logistics bậc ĐH, khi hàng loạt các trường chính thức mở ngành/chuyên ngành logistics. 

Vận chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ảnh: ITN.
Vận chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ảnh: ITN.

Tuy nhiên, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), khoảng 60 - 80% số doanh nghiệp cho biết, chất lượng nhân lực logistics ở tất cả các cấp từ công nhân lao động trực tiếp đến đội ngũ quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu ở mức trung bình thấp. 

Vừa thiếu vừa yếu

Theo đánh giá của Bộ Công Thương tại Diễn đàn logistics 2019 tổ chức vào cuối tháng 11/2019 tại Đà Nẵng, với đặc điểm thị trường dịch vụ logistics mới phát triển trong những năm gần đây, nhân lực logistics Việt Nam có điểm mạnh là nguồn nhân lực trẻ, năng động, ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng chịu đựng thử thách cũng như rủi ro.

Tuy nhiên, vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt chính là nguồn nhân lực logistics thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của lao động logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN chưa cao.

Vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động thấp cũng là những hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới đối với nhân lực logistics Việt Nam.

Khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, có xấp xỉ 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Các doanh nghiệp logistics đều có quy mô vừa và nhỏ với 89% là doanh nghiệp của Việt Nam, 10% doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy, có tới 82,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước; 9,6% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo và chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.

Chính vì vậy, ngay cả đội ngũ quản trị của các doanh nghiệp logistics cũng được đánh giá là thiếu kiến thức bài bản chuyên sâu do chủ yếu tích tụ kiến thức từ thực tiễn kinh nghiệm kinh doanh hoặc từ quá trình làm đại lý, đối tác cho các doanh nghiệp logistics nước ngoài; chưa đủ tầm nhìn và khả năng điều hành vươn ra quốc tế hay phát triển lĩnh vực dịch vụ mới.

Một số nhân lực ở cấp này cũng hạn chế về ngoại ngữ hoặc phải đảm nhiệm nhiều vị trí công việc… Với đội ngũ quản lý, giám sát và đội ngũ nhân viên, hạn chế lớn nhất vẫn là yếu về ngoại ngữ và CNTT, khả năng phối hợp, liên kết, thích ứng, sáng tạo và đáp ứng nhu cầu của khách hàng chưa cao.

Theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện ngành logistics còn thiếu khoảng 2 triệu nhân lực. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nhân lực logistics ở Việt Nam chủ yếu được tuyển dụng từ các đại lý hãng tàu, công ty giao nhận vận tải biển.

Còn nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho các doanh nghiệp. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, logistics hiện tại chủ yếu được đào tạo từ Trường ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại thương, một số ít được bổ sung từ các trường: Giao thông vận tải, Hàng hải và thậm chí là các trường ĐH đào tạo ngoại ngữ.

Cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế

Kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu logistics (Trường ĐH Ngoại thương) năm 2019 cho thấy, tự đào tạo vẫn là hình thức phổ biến trong năm qua tại các doanh nghiệp. Do khó tìm được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thực tế nên phần lớn các doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nhân viên theo điều kiện hiện có.

Các hình thức tự đào tạo phổ biến tại doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm: Đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới (74,6%), các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng (62,7%) và mời chuyên gia về đào tạo tại doanh nghiệp (44,1%).

Nhân lực logistics tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn bên ngoài doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng lên (tương ứng với 35,6% và 47,5% số doanh nghiệp lựa chọn) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động logistics tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hạn chế chung hiện nay trong hoạt động tự đào tạo nhân lực logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu tính chủ động trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực logistics.

Điều này biểu hiện ở việc các doanh nghiệp chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài mà thường chỉ tuyển dụng khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu trước mắt; quy trình tự đào tạo chưa bài bản, chuyên nghiệp; chưa đẩy mạnh kết nối chặt chẽ với các cơ sở đào tạo để lựa chọn được nguồn nhân lực logistics chất lượng cao hoặc đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh – Bộ Công Thương, để đáp ứng nhu cầu hiện nay, việc đào tạo cần tiếp cận chuẩn đào tạo quốc tế. Điểm yếu của nguồn nhân lực logistics hiện nay là tính kỷ luật và khả năng làm việc tập thể.

Điều đáng chú ý trong công tác đào tạo nhân lực logistics là việc các thành viên trong Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam đã nhất trí cao kế hoạch hợp tác biên soạn Bộ giáo trình chuẩn phục vụ công tác giảng dạy và đào tạo nhân lực logistics tại các trường thành viên. Theo đó, bộ giáo trình chuẩn dự kiến sẽ gồm 4 cuốn được sắp xếp một cách có hệ thống theo các module để dễ dàng đối sánh với các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của FIATA, AFFA và các tiêu chuẩn Australia...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ