(GD&TĐ) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, ngành công nghệ thông tin được coi là cứu cánh của nền kinh tế, có doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 400% năm 2012. Tuy nhiên, áp lực công việc quá lớn, mức lương chưa cao so với các ngành nghề khác, nỗi lo thất nghiệp sau 4 năm học… đang khiến số lượng bạn trẻ theo nghề công nghệ thông tin có xu hướng giảm dần. Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện cùng ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain -Aptech xung quanh vấn đề này.
Trong xu thế chung của nền kinh tế thế giới, các ngành nghề đều đang có xu hướng chững lại. Với ngành phần mềm thì sao, thưa ông?
- Thị trường các công ty phần mềm ở Việt Nam có các công ty phần mềm nội địa và các công ty sản xuất và gia công cho nước ngoài. Với các công ty chuyên gia công phần mềm cho nước ngoài, trong năm qua có một sự tăng trưởng rất lớn. Việc tăng trưởng ở đây không phải là chuyện bán được hàng. Ngành phần mềm là ngành yêu cầu chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu về chất lượng và công nghệ cao của nước ngoài. Nếu lấy nguồn nhân lực của Việt Nam làm cơ sở, mà chúng ta phát triển được 50% thì chuyện đó là chuyện không tưởng.
Nó giống hệt như ngành cafe. Chúng ta sản xuất cafe đứng thứ 2 thế giới nhưng chúng ta không nổi tiếng về sản phẩm và phần giá trị Việt Nam thu được chỉ khoảng 10%.
Có thể coi đây là một tín hiệu vui đối với ngành phần mềm Việt Nam! Vậy có thể nhìn trước được thời gian tới, ngành phần mềm sẽ phát triển như thế nào không, thưa ông?
Giám đốc Chu Tuấn Anh |
- Chúng tôi đặt nhiệm vụ cho mình là tìm ra những tinh túy trong nguồn nhân lực đang có và tổ chức những gì mà chúng tôi thấy phù hợp với Việt Nam. Những công ty phần mềm như chúng tôi đang cố gắng kiên định tạo ra những sản phẩm có chỗ đứng. Chỗ đứng đó cũng phụ thuộc vào “đầu vào” - sự ủng hộ, định hướng đúng đắn từ các bạn trẻ và “đầu ra” là khách hàng với yêu cầu sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ.
Trong vòng 5 năm tới, dự đoán các làn sóng như ngân hàng, chứng khoán sẽ lại rộ lên, ban đầu là bất động sản, sau đấy có thể là viễn thông... Và có thể trong 5, 10 năm nữa phải bước qua 1, 2 làn sóng như vậy chúng ta mới nhận ra ngành phần mềm cũng có giá trị riêng, chỉ có điều nó sẽ phát triển chậm.
Vậy ông nhận định thế nào về cơ hội cho ngành phần mềm Việt Nam hiện nay?
- Nếu nhìn vào cơ hội của công ty phần mềm xuất khẩu ở Việt Nam, có thể thấy rất khả quan với vô vàn cơ hội bởi thị trường quá lớn. Nhưng một bài toán khó cần có lời giải để tiếp cận cơ hội này chính là nguồn nhân lực. Doanh nghiệp có 2 việc chính cần giải quyết: Một là kiếm được hợp đồng về; Hai là có nguồn lực để thực hiện hợp đồng đó. Với Việt Nam, vấn đề thứ hai đang ngày càng cấp bách. Khách hàng đang xếp hàng sẵn để đợi, trong khi doanh nghiệp phần mềm Việt lại quá lo lắng chỉ sợ không đáp ứng được nhu cầu lớn đó.
Hiện các bạn trẻ ai cũng muốn làm giàu nhanh. Song thực tế cho thấy cái gì cũng có giá của nó. Đúng là ngành phần mềm vất vả, suốt ngày ngồi bên máy tính lao động trí óc, nói nôm na là vục mặt vào làm! Song tôi nghĩ nếu bản thân đã quyết theo nghề thì phải chấp nhận tích lũy nghề nghiệp để năng lực chuyên môn của mình được nâng cao lên. Khi đó sẽ gặt hái được thành công.
Cá nhân tôi nhận thấy những người kiên trì tích lũy thì làm ở đâu họ cũng đều thành công. Hiện tại, có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đi ra nước ngoài làm việc, tiếp xúc với nhiều khách hàng lớn. Ngay lúc đó có thể chưa ra tiền song sau này khi cần đến thì đó sẽ là cơ hội rất tốt để xây dựng sự nghiệp. Đây không phải là lý thuyết mà đều rút ra từ thực tiễn của các công ty phần mềm.
Bởi vậy các bạn trẻ nên kiên trì, đừng nóng vội. Và đã làm thì cần cố gắng dốc sức, đừng làm nửa vời hay vừa làm vừa ngóng đợi một cơ hội khác.
Theo ông, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trên thị trường quốc tế có những giá trị cạnh tranh nào nổi bật để có thể giành được các hợp đồng về mình, từ đó tổ chức nhân lực có chất lượng hơn?
- Theo tôi, có 3 tiêu chí ta có thể cạnh tranh, đó là giá cả, chất lượng và khả năng đáp ứng nhanh.
Một buổi họp dự án của các lập trình viên |
Nhiều học sinh, sinh viên khi lựa chọn theo học ngành công nghệ thông tin cũng vẫn có những băn khoăn về thu nhập, về cơ hội việc làm... sau khi ra trường. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
- Theo khảo sát trung bình năm 2012, mức lương của các nhân viên mới của các công ty phần mềm là 5,5 - 6 triệu đồng/tháng. Nếu các sinh viên mới tốt nghiệp có thêm các kĩ năng khác thì thu nhập sẽ được tăng lên tương ứng.
Theo tôi, liên quan đến chế độ ưu đãi lương bổng, các bạn trẻ nên đặt câu hỏi: Mình nên theo cơ hội nào? Ngành công nghệ thông tin luôn có rất nhiều cơ hội. Các công ty phần mềm lúc nào cũng thiếu người. Nếu cứ làm nhân viên để chờ lương cao thì không phải là một cách hay. Mà cần nhìn thấy cơ hội phát triển xuất hiện ở rất nhiều vị trí như quản lý, quản trị... Năm nay, một số công ty phần mềm đang khát những vị trí cầu nối, có nơi trả mức lương 1,2 tỷ/năm, nhưng nói thật là rất khó tìm được người.
Hiện năng suất lao động ngành phần mềm của Việt Nam thấp hơn so với nước ngoài. Thực tế một lập trình viên của Mỹ và Nhật có mức lương khoảng 4000 USD/tháng. Chúng ta cố gắng nói tốt tiếng Anh và trình độ bằng ½ họ, mức lương 1000 USD/tháng là chuyện bình thường. Để thấy rằng có nhiều cơ hội, mỗi cơ hội sẽ có điều kiện mà người lao động cần phải đáp ứng.
Ông có thể chia sẻ bí quyết làm thế nào để sinh viên học đại học, sau đó có thời gian thực tập ở doanh nghiệp và xin được việc làm?
- Tôi thấy rằng cho dù là giàu hay nghèo thì người Việt không bao giờ tiếc công tiếc của đầu tư cho việc học. Điều quan trọng chính là hướng đi của các bạn trẻ: Học thêm tại trung tâm, thực tập tại các công ty hay đi làm luôn.
Hiện nhiều công ty mở ra các khóa thực tập, tạo cơ hội để sinh viên có thể học và làm việc thực sự về khoa học máy tính, sau đó sàng lọc để tuyển chọn nhân lực cho mình. Tôi cho rằng nếu đầu tư cho việc học thêm ngắn hạn, nhanh chóng cập nhật những công nghệ mới sẽ là một lợi thế lớn khi đi xin việc. Thông thường các công ty trong quá trình phỏng vấn ứng viên, nếu bạn nào trội hơn về việc sử dụng công nghệ mới thường được công ty ưu ái lựa chọn.
Xin cảm ơn ông!
“Năm 2012, ngành Phần mềm Việt Nam ngoài tăng trưởng về lượng, mặt “chất” cũng đã có những bước tiến đáng kể. Các doanh nghiệp đều tin tưởng rằng với nguồn nhân lực và khả năng tổ chức trong nước, chúng ta có thể đưa ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thế giới.” |
Gia Hân (Thực hiện)