Nhân lên niềm tự hào ở làng khoa bảng

GD&TĐ - Huyện Thanh Trì (Hà Nội) là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng lâu đời với 2 làng khoa bảng là Tả Thanh Oai - xã Tả Thanh Oai và Nguyệt Áng - xã Đại Áng. Đây là quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, danh nhân Chu Văn An, người thầy của muôn đời; bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm...

Lễ khai bút đầu năm tại đền thờ Chu Văn An thu hút đông đảo sự tham gia của người dân làng Nguyệt Áng. Ảnh: T.G
Lễ khai bút đầu năm tại đền thờ Chu Văn An thu hút đông đảo sự tham gia của người dân làng Nguyệt Áng. Ảnh: T.G

Làng khoa bảng Nguyệt Áng

Nguyệt Áng (làng Nguyệt), một làng cổ có từ thời Hùng Vương dựng nước. Nguyệt Áng có truyền thống hiếu học, sản sinh ra nhiều nhân tài có công với đất nước, được công nhận là làng khoa bảng vì có 11 tiến sĩ, trong đó có 1 trạng nguyên.

Ông Nguyễn Danh Truy, người dân trong làng kể: Nguyệt Áng không phải là làng của người đỗ đạt sớm nhưng có nhiều người thi đỗ tiến sĩ, tập trung trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII. Đặc biệt, có 1 trạng nguyên là ông Nguyễn Quốc Trinh. Do làng Nguyệt Áng có tên Nôm là làng Nguyệt nên dân gian gọi ông là Trạng Nguyệt (ông trạng làng Nguyệt).

Làng còn có ông Nguyễn Danh Thọ là người khai khoa đầu tiên, đỗ tiến sĩ năm 1631. Ông Nguyễn Danh Thọ cũng giữ chức Bồi tụng, tương đương chức Phó Thủ tướng ngày nay. 5 người khác đỗ tiến sĩ là ông Nguyễn Đình Trụ, Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Đình Bách, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Đình Quý.

Dân làng Nguyệt Áng tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của cha ông. Hiện nay, cả ba trường học thuộc bậc mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia. Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh mới được khánh thành trong năm học này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Cùng với cơ sở hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ, điểm đáng chú ý trong công tác khuyến học tại xã Đại Áng mà ít địa phương nào trên địa bàn Hà Nội làm được là duy trì hiệu quả hoạt động của các chi hội khuyến học. Toàn xã hiện có 12 chi hội khuyến học dòng họ, 3 chi hội khuyến học trường học và 4 chi hội khuyến học thôn.

Những năm gần đây, các chi hội khuyến học phát động phong trào ủng hộ, trao thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc. Bên cạnh nguồn kinh phí từ các chi hội khuyến học, địa phương thường xuyên phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trao tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để động viên các em vượt khó, vươn lên học tập tốt.

Ông Trần Quốc Oai - Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng cho biết: Cùng với động viên kịp thời cho các em học sinh thông qua các hình thức khen thưởng, biểu dương, địa phương đặc biệt chú trọng tới việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử gắn với truyền thống hiếu học của làng khoa bảng Nguyệt Áng.

Đến nay, nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, điển hình là tuyên dương các em học sinh có thành tích xuất sắc được tổ chức thường niên như lời nhắc nhở đối với các em học sinh trên địa bàn xã Đại Áng nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học, tiếp bước tiền nhân, phấn đấu học tập, rèn luyện, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho quê hương.

Đình Hoa Xá xã Tả Thanh Oai. Ảnh: T.G
Đình Hoa Xá xã Tả Thanh Oai. Ảnh: T.G 

Ở Kẻ Tó, ra ngõ gặp cử nhân

Nằm cách xã Đại Áng không xa, xã Tả Thanh Oai có ngôi làng với truyền thống hiếu học, sản sinh ra nhiều nhân tài có công lớn với đất nước.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai tự hào khi nói về quê hương mình: Làng có tên Nôm là Kẻ Tó, còn gọi là Tó Tả để phân biệt với làng Tó Hữu bên kia sông Nhuệ. Tó Tả là làng quê nổi danh khoa bảng, văn chương được ghi chép nhiều trong các thư tịch, sách vở và qua nguồn tư liệu Hán - Nôm phong phú còn được lưu giữ tại làng như văn bia, bản khắc gỗ hay gia phả dòng họ.

Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ tiến sĩ thì đạt danh hiệu làng khoa bảng. Làng Tả Thanh Oai được cả nước biết đến với 12 người đỗ đại khoa, gồm 4 hoàng giáp và 8 tiến sĩ. Trong làng có họ Ngô với dòng Ngô gia văn phái và các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm đã đi vào lịch sử đất nước. Ngoài ra còn có 27 hương cống thời Lê, 10 cử nhân thời Nguyễn.

Để có sự thành đạt về khoa bảng, làng Tả Thanh Oai dành 40 mẫu ruộng để làm học điền. Những người đỗ đạt được trọng vọng. Trong tâm thức của người làng, thế đất của làng phát đạt về mặt học hành nên có ý thức với việc học.

Ông Nguyễn Văn Dân, người trông coi nhà thờ họ Nguyễn ở làng Tả Thanh Oai, cho biết: Cùng với truyền thống hiếu học và đỗ đạt, Tả Thanh Oai còn được biết đến là ngôi làng văn chương nổi tiếng của kinh thành Thăng Long nói riêng và cả nước nói chung.

Các nhà khoa bảng của làng sáng tác ra những tác phẩm văn học lớn, đặc sắc nhất là tác phẩm Ngô gia văn phái (Trường phái văn học nhà họ Ngô). Ngô gia văn phái được viết bằng chữ Hán, phong phú về thể loại, bao gồm: Thơ, truyện, ký, tự, biểu, tấu. Tổng số các tác phẩm của Ngô gia văn phái lên đến 36 bộ sách, trong đó tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” là bộ tiểu thuyết ký sự lịch sử danh tiếng bậc nhất Việt Nam.

Vừa qua, làng Tả Thanh Oai đã xuất bản cuốn sách “Làng khoa bảng Tả Thanh Oai”, ghi danh công lao các bậc tiền nhân để con cháu noi gương. Làng đã có hàng chục người có học vị, học hàm GS, PGS, TS, số lượng học sinh đỗ đại học hàng năm khá cao.

Người dân lànsg Tả Thanh Oai thường truyền nhau câu nói vui rằng: “Ở làng Kẻ Tó, ra ngõ là gặp cử nhân”. Các thế hệ trẻ của làng Tả Thanh Oai đang gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học của làng, chinh phục đỉnh cao tri thức và làm rạng danh ngôi làng khoa bảng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.