Nhẫn hột của bà nằm trong bụng cháu

Cháu bé 2 tuổi nuốt nhẫn của bà phải đi viện, trong trường hợp phát hiện trẻ nuốt phải dị vật, cha mẹ cần sử dụng thủ thuật Heimlich.

Nhẫn hột của bà nằm trong bụng cháu
Khoa Ngoại Tổng Hợp bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận một trường hợp dị vật tiêu hóa do nuốt chiếc nhẫn. Trước đó, cháu N.H.T sinh năm 2013, nhà ở Long An lấy nhẫn có hột của bà để trong tủ ra chơi và nuốt vào bụng. Gia đình đưa cháu đi khám và được theo dõi ngoại trú nhưng chiếc nhẫn vẫn không di chuyển xuống dưới.

Hình ảnh dị vật là chiếc nhẫn trong đường tiêu hóa.
Hình ảnh dị vật là chiếc nhẫn trong đường tiêu hóa.
Cháu nhập viện Nhi Đồng 1 và được chụp Xquang, bác sỹ phát hiện dị vật là một chiếc nhẫn có hột. Bé được uống thuốc nhuận tràng và khám tiêu hóa để nội soi gắp dị vật.

Chụp X quang sau đó cho thấy dị vật đã xuống ruột già, bệnh nhân được tiếp tục cho uống thuốc nhuận tràng. May mắn, cháu đã tự đi tiêu ra chiếc nhẫn có hột. Cháu T. không còn kêu đau bụng, không đi ngoài ra máu, bụng mềm và được xuất viện sau đó.

Điều dưỡng Ngọc Lan – khoa Ngoại Tổng hợp cho biết: “Qua câu chuyện trên, chúng tôi muốn cảnh báo đến phụ huynh hãy trông coi trẻ cẩn thận. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ nuốt dị vật như hạt nhãn, hạt mãng cầu, … làm trẻ tử vong. Cha mẹ hãy để những vật dụng sắt nhọn hay những đồ vật vừa với miệng trẻ xa tầm tay với của trẻ vì trẻ có thể cho vào miệng gây nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào”.

Trước đó, nhiều ca hóc dị vật đã xảy ra như trường hợp bé N. V. H, 6 tuổi, trú ở Vân Đình, Hà Nội ăn vải bị sặc, quả vải chui vào cổ họng khiến bé H. khó thở, tím tái và bé tử vong.

Tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật trong đó có hạt vải, hạt nhãn. Giống như hóc thạch, khi trẻ bị học hạt nhãn, hạt vải cũng nguy hiểm không kém. Trường hợp của bé V. V. A trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cấp cứu trong tình trạng hạt vải bưng kín thanh quản của bé.

Các bác sỹ phải đặt nội khí quản và tiến hành gắp dị vật của bé ra. Trường hợp may mắn như bé A. không phải nhiều vì nhà bé gần bệnh viện và gia đình biết sơ cứu cho bé. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trẻ bị hóc dị vật ngày càng nhiều dù các phương tiện truyền thông có đưa ra khuyến cáo.

Phương pháp Heimlich
Phương pháp Heimlich
Đối với trẻ chẳng may bị hóc dị vật, người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật Heimlich để lấy dị vật.

+ Bước 1: Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.

+ Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

+ Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.


Theo vtc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ