Nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi: Đầu tư mạnh cho trường công lập

GD&TĐ - Trong khi chưa đủ điều kiện khôi phục lại một số nhà trẻ như trước đây, TP Đà Nẵng đang gấp rút đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và tập huấn giáo viên để năm học 2019 - 2020 sắp tới thí điểm thu nhận trẻ dưới 18 tháng tại 21 trường trên địa bàn.

Giờ hoạt động góc của các bé nhà trẻ Trường MN tư thục Bé Thông minh (Đà Nẵng)
Giờ hoạt động góc của các bé nhà trẻ Trường MN tư thục Bé Thông minh (Đà Nẵng)

Nhiều điều kiện ràng buộc

Trường MN Bình Minh (Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng) là trường công lập hiếm hoi nhận giữ trẻ từ 13 tháng tuổi trở lên. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do xuất phát từ nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh trong địa bàn phường nên trường mạnh dạn thí điểm nhận 10 trẻ trong độ tuổi 13 tháng. Từ thực tế ở độ tuổi này, trẻ đã có thể uống dặm sữa công thức, chỉ bú sữa mẹ vào buổi tối nên chúng tôi không bố trí phòng bú sữa mẹ, phòng tắm trẻ. Nhà vệ sinh cũng không cần quá rộng vì trẻ đang ngồi bô, chỉ cần dành một khoảng không gian thật sạch để đặt bô là được. Chính vì vậy, nếu đối chiếu với các quy định phòng ốc của chuẩn nhà trẻ thì nhà trường chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất dù chất lượng chăm sóc rất bảo đảm”.

Cũng theo cô Thư Trâm, để nuôi dạy trẻ ở độ tuổi từ 6 - 18 tháng tuổi, nhà trường cần phải có khu vực riêng để chăm sóc đặc biệt như sinh hoạt (ăn, chơi riêng), phòng ngủ riêng, phòng cho trẻ bú mẹ, khu vực để trẻ tắm nắng, phòng phải thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng, có hệ thống lưu trữ sữa mẹ gửi cho trẻ…

Bà Lê Thị Bích Thuận - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngành GD-ĐT Đà Nẵng có chủ trương các trường MN công lập, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có đủ điều kiện tăng tỉ lệ thu nhận trẻ nhà trẻ ra lớp. Ngoài ra, Đà Nẵng chọn giải pháp đầu tư trang thiết bị cho các trường MN công lập trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2019 để chuẩn bị cho việc thí điểm nhận nuôi dạy trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi tại 21 trường MN công lập và sau đó sẽ nhân rộng ra trên địa bàn TP. 

NGƯT Huỳnh Thị Thọ - Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Bé Thông Minh (Đà Nẵng) cho rằng: “Để nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi thì yếu tố con người là rất quan trọng. Nhà trường luôn phải có bác sĩ nhi để kiểm tra, theo dõi bé hàng ngày như mọc răng, kiểm tra phân…

Với một bếp ăn có trẻ dưới 18 tháng, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 3 - 12 tháng thì cấp dưỡng phải biết pha sữa đúng quy định, quấy bột, nấu đồ ăn dặm bảo đảm dinh dưỡng. Giáo viên của lớp nhà trẻ dưới 18 tháng tuổi đòi hỏi phải có kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, có sự tỉ mỉ, cẩn thận và đặc biệt là lòng thương yêu con trẻ. Ngoài chăm ăn, chăm ngủ, các cô giáo phải giao lưu cảm xúc với trẻ: Trẻ cần cảm xúc nhẹ nhàng, âu yếm, cô nuôi trẻ phải tạo cho trẻ được sự an toàn để trẻ thấy ở bên cô cũng giống như bên mẹ. Đây cũng là cơ hội để trẻ nhận được sự giáo dục sớm vì giao tiếp là sự phát triển mới nhất về mặt tinh thần và trí tuệ cho trẻ”.

Cần có chính sách đồng bộ

Hầu hết, các trường mầm non công lập trên địa bàn Đà Nẵng đều nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, chỉ một số trường tư thục nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi và rất ít trường như Trường Bé Thông Minh nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Trường MN Tiên Sa và MN Tuổi Thơ đã từng được giao chỉ tiêu tuyển sinh một nhóm lớp trong độ tuổi dưới 18 tháng nhưng số trẻ ra lớp không đủ để mở lớp nên Phòng GD&ĐT Hải Châu đồng ý cho 2 trường này điều tiết đối tượng tuyển sinh sang những độ tuổi khác.

Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do việc tuyển sinh của trường MN công lập chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định nên phụ huynh chưa sẵn sàng tâm lý cho trẻ ra lớp. Ngoài ra, nếu so với trường công lập thì thời gian gửi ở các nhóm trẻ gia đình có thể linh hoạt hơn, kéo dài thời gian trông trẻ muộn hơn, điều này cũng phù hợp với điều kiện làm việc của phần đông người lao động.

Theo bà Trần Thị Thúy Hà, để chủ trương nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tại các trường công lập của TP Đà Nẵng đạt được hiệu quả cao thì ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên thì cần xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ.

“Chỉ đơn cử như tiền lương bán trú cho GV, nếu Nhà nước không hỗ trợ hoặc điều tiết thì sẽ rất khó để phân công GV, ví dụ như sĩ số của một lớp lớn từ 35 trẻ thì chi tiền tăng giờ cho GV sẽ khác với một lớp chỉ có 7 - 10 trẻ của lớp nhà trẻ mà có đến 3 cô giáo đứng lớp. Những điều này, khi xây dựng chế độ, chính sách cũng cần phải tính đến.

Lương phần cứng thì ai cũng như nhau thôi nhưng lương ngoài giờ thì lại phụ thuộc vào số lượng HS, mà số trẻ/nhóm nhà trẻ là rất thấp. Mình không thể cắt từ tiền lương ngoài giờ của giáo viên đứng lớp 35 trẻ/lớp sang cho cô 7 - 10 trẻ/lớp được. Mình cũng không thể nói là giữ 10 trẻ thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn giữ 35 trẻ được vì trách nhiệm và nhiệm vụ của GV nuôi dạy trẻ ở những độ tuổi này là khác nhau do đầu ra cũng khác nhau” - bà Thúy Hà phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ