Nhiều mặt hàng tăng giá vào dịp này. ảnh mang tính minh họa |
Cơ sở phân tích của Trung tâm này đưa ra tính đến các yếu tố tăng giá cơ bản như: tỷ giá VND/USD đang có xu hướng tăng; bão lụt gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung; giá nhiều mặt hàng tăng, kể cả hàng tiêu dùng nói chung và các mặt hàng thiết yếu như thép, phân bón, thực phẩm, gas…
Vẫn chưa xác định được mức độ ảnh hưởng của các diễn biến bất thường, từ giá vàng, tỷ giá USD và thiên tai lũ lụt tại miền Trung, nhưng giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường, sau khi tăng lên dưới tác động của các nguyên nhân này, đã không thấy xuất hiện khả năng quay về mức giá cũ, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia nhận định.
Tuy nhiên, một diễn biến đáng chú ý tại Thủ đô có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này, đó là trong giai đoạn lấy giá cuối cùng của Tổng cục Thống kê để phục vụ tính toán CPI tháng 11, đã xuất hiện nhiều chương trình khuyến mại quy mô lớn, được tổ chức trên diện rộng vào các ngày 13-14/11.
Với Tp.HCM, sau giai đoạn dài "kìm giá" thì đến tháng này, thị trường đã xuất hiện nhiều điều chỉnh vượt ngoài tầm ảnh hưởng của các chương trình bình ổn. Theo một số thông tin trên báo chí, xu hướng tăng giá đang thể hiện khá rõ trên thị trường.
Ngoài các nguyên nhân có tính đột biến kể trên, quy luật mùa vụ cuối năm không dễ xác định chính xác độ tác động nhưng sức ảnh hưởng thường khá lớn. Nhìn ở góc độ cung hàng hóa, trong khi tồn kho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến đã hạ nhiệt, dẫn tới khả năng có thể tăng quy mô sản xuất trong giai đoạn cuối năm này, lãi suất ngân hàng thương mại vẫn còn khá cao có thể làm tăng chi phí đầu vào sản xuất.
Trung Dũng