Nhận diện 3 loại cà độc gây ảo giác phổ biến ở Việt Nam

Cà độc dược, cà độc dược gai tù, cà độc dược lùn có thể gây ảo giác, mất tri thức tạm thời nếu tiếp xúc hoặc nuốt chúng, nhà nghiên cứu cây thuốc Việt Nam khuyến cáo.

Nhận diện 3 loại cà độc gây ảo giác phổ biến ở Việt Nam

1. Cà độc dược

GS.TS Võ Văn Chi - Tác giả cuốn "Từ điển cây thuốc Việt Nam", cho biết cà độc dược được trồng làm cảnh phổ biến ở nhiều vùng miền nước ta. Tuy nhiên ít người biết rằng cây này có chứa scopolamine gây ảo giác giống thành phần trong cây hoa loa kèn độc.

Theo mô tả, cà độc dược (Datura metel L.), thuộc họ cà Solanaceae. Cây cao đến 2m, phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn, mọc so le, phiến lá nguyên, hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều. 

Hoa to, mọc đứng, đơn điệu, ít khi xếp đôi ở nách lá. Đài loa liền nhau, hình ống, màu xanh phía trên có 5 răng, cánh hoa màu trắng dính liền với nhau thành hình phễu dài đến 20 cm nhưng vẫn thấy có 5 thùy, 5 nhụy đính trên cánh hoa. Quả hình cầu, màu lục, đường kính 3 cm, có nhiều gai mềm mỏng, khi chín nở thành 4 mảnh. Hạt nhiều, nhăn nheo, màu nâu nhạt.

Ở nước ta, cây này mọc hoang khắp nơi và cũng được trồng làm cảnh, làm thuốc. Người ta đã tạo ra nhiều giống có màu lá khác nhau như xanh tía hay tim tím, hoa đơn hay hoa đôi. Cà độc dược phân bố từ Sơn La, Lạng Sơn, Huế đến Khánh Hòa, TP HCM, Cần Thơ.

ca-doc-duoc-1620-1426909273.jpg Datura-metel-Blanco1-35-5919-1426909275.

Cà độc dược Datura metel L. Ảnh: Lookfordiagnosic.

Cà độc dược chứa nhiều alcaloid, chủ yếu là scopolamine (chất gây ảo giác mạnh), ngoài ra còn có hyoscyamin, atropin, norhyoscyamin. Lá cũng có nhiều hyoscyamin. Lượng scopolamine được tìm thấy nhiều nhất ở hoa.

Theo Đông y, hoa cà độc dược vị cay, tính ôn, độc, có tác dụng ngăn suyễn, giảm ho, chống đau, chống co giật, phong thấp. Cây được xếp vàng bảng có độc tính cao, các thành phần alcaloid có khả năng hủy phó giao cảm, tạo ảo giác mạnh, mê sảng, hoang mang, khiến con người không thể phân biệt được thực tế và tưởng tượng. 

Dùng cà độc dược liều cao, đặc biệt là hoa và lá có thể dẫn đến ngộ độc, mê sảng kéo dài, mất trí nhớ, thậm chí tử vong. Khi phát hiện bị ngộ độc, phải giải độc bằng cách đường vàng và cam thảo.

2. Cà độc dược gai tù

Cây này cũng thuộc họ cà, tên khoa học là Datura innoxia Mill. Cây mọc hằng năm, cao 1-2 m, toàn thể phủ lông mịn, dày đặc, màu trắng. Lá mọc so le, hình trứng rộng 4-10 cm, dài 10-14 cm, màu lục sẫm, mép nguyên hoặc có răng dạng sóng, gốc không cân, cuống lá dài 4-5 cm.

Hoa của cà độc dược gai tù mọc đơn độc ở nách lá phía ngọn, cuống hoa dài khoảng 1 cm, đài hoa hình ống dài 8-10 cm, rộng 2-3 cm, có 5 răng, tràng hoa có 5-10 cạnh, dài 15-20 cm, đường kính 7,5 cm, phần gốc màu lục nhạt, phần ngọn màu trắng, nhị đính ở miệng ống tràng, bầu hình trứng tròn. Quả nang gần tròn, đường kính gần 4 cm, phủ lông mềm màu trắng nhạt và gai dài mềm, nứt thành 4 mảnh không đều.

Cà độc dược gai tù có nguồn gốc từ Mexico, được nhập trồng ở nhiều nước châu Âu, châu Á, tại Việt Nam phân bố nhiều ở Hà Nội và một số tỉnh khác.

Sacred_Datura_%D0%B4%D0%B0%D1%82%D1%83%D

Cà độc được gai tù. Ảnh: Psyplants.

Thành phần hóa học: Một số bộ phận chứa tỷ lệ cao scopolamin (0,16-0,25% trong lá; 0,23-0,85% trong cây), dầu cố định và vitamin C. Hạt chứa các alcaloid, chủ yếu là scopolamin và cũng có dầu cố định. Rễ chứa tigloidin, atropin, tropin, pseudotripin...

Các thành phần của cây có độc mạnh, có tính chất làm giãn đồng tử mắt. Ở Ấn Độ, các bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc như cà độc dược Datura metel L. Ở Nuven Calendoni, lá được dùng làm thuốc trị hen, xử trí vết chích của cá độc.

3. Cà độc dược lùn (Datura Stramonium L.)

ca-doc-duoc-lun-2089-1426909282.jpg

Cà độc dược lùn, ngọn cành đều mang quả. Ảnh: Luciaguilhermino.

Đây là cây thảo, sống hàng năm, cao 0,3 đến 1 m. Lá mềm, nhẵn, chia thùy sâu với mép răng cưa không đều. Hoa có lá đài màu lục hoặc hơi tím, tràng hoa màu trắng, đầu các cánh hoa có mũi nhọn, dài. Quả hình trứng, mọc thẳng, có nhiều gai cứng, khi chín nứt thành 4 mảnh đều nhau. Hạt hình thận, màu đen nâu.

Cây này phân bố ở các nước châu Âu, sang Pháp, Anh, Ấn Độ. Ở nước ta, cà độc dược lùn được nhập trồng làm thuốc. Các bộ phận của cây đều chứa alcaloid, chủ yếu là hyoscyamin, atropin và hyoscin, axit chlorogenic, tinh dầu, saponin, tanin. Cây có vị cay, đắng, tính ấm, có độc, gây tê, chống đau, làm dịu thần kinh, trừ đàm, khử phong thấp, được dùng như cà độc dược.

Theo giáo sư Võ Văn Chi, cà độc dược là một vị thuốc tốt nhưng cũng có tính độc. Do đó người dân không nên tùy ý sử dụng mà phải tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc Đông y giàu kinh nghiệm. 

Người lớn không nên dùng cà độc dược để chế biến thức ăn. Tránh để con trẻ tiếp xúc với các bộ phận của cây bởi các em thường bỏ vào miệng nhai dễ gây ngộ độc.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ