Ý chí thiện nguyện của nữ hướng dẫn viên

GD&TĐ - Trong hội hướng dẫn viên du lịch ở TPHCM, Ngô Thị Tuyết Hằng được nhiều đồng nghiệp biết đến bởi sự xông xáo, nhiệt huyết, cả trong công việc chuyên môn lẫn những hoạt động xã hội, nhất là công tác thiện nguyện.

Hướng dẫn viên Tuyết Hằng và du khách Ấn Độ. Ảnh: NVCC
Hướng dẫn viên Tuyết Hằng và du khách Ấn Độ. Ảnh: NVCC

2 lần nhiễm Covid-19 khi làm thiện nguyện

Trong thời gian qua, du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Cũng giống như rất nhiều nhân sự khác hoạt động trong ngành công nghiệp không khói, Tuyết Hằng phải vật lộn, bươn chải cuộc sống khi không thể có được thu nhập ổn định từ công việc yêu thích của mình.

Nhưng những khó khăn, thách thức ấy không khiến chị chùn bước, thậm chí còn kiên cường, mạnh mẽ hơn. Trong đợt phát động hỗ trợ những hướng dẫn viên có hoàn cảnh khó khăn khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, chị Tuyết Hằng đã vận động và kết nối để góp phần đưa 400 phần rau củ đến với các đồng nghiệp.

Không chỉ giúp đỡ các đồng nghiệp, chị còn xung phong tham gia đội ngũ hoạt động thiện nguyện của Bếp Mãn Tự để hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở TPHCM.

Ở thời điểm đó, ngoài việc mang các suất ăn đến tận nơi cho những người dân bị cách ly vì nhiễm Covid-19, đội thiện nguyện Bếp Mãn Tự còn cung cấp rất nhiều suất ăn trưa, chiều và tối cho lực lượng tuyến đầu, dân phòng… Ngoài ra, chị Tuyết Hằng cùng với các thành viên trong đội còn cung cấp oxy và thuốc chữa trị cho các F0.

Khối lượng công việc rất lớn, chị Hằng phải dậy sớm để đến chỗ làm và về nhà khi đã tối muộn. Công việc vất vả không hề khiến nữ hướng dẫn viên sinh năm 1984 này chùn bước, dù nhiều người khuyên chị ở nhà, tập trung lo cho gia đình.

Chị Tuyết Hằng tâm sự: “Cuộc sống như một chuyến tàu với rất nhiều hành khách. Trong suốt hành trình, có người bước xuống, có người còn ngồi lại, nhưng cuối cùng, ai cũng phải rời tàu. Tôi cho rằng, không có gì tàn nhẫn bằng việc nhìn người khác sắp chết mà không giúp được gì”.

Chính suy nghĩ đó đã giúp chị vượt qua những thách thức để cùng mọi người giúp đỡ những mảnh đời khó khăn có bữa cơm đong đầy tình thương trong những ngày gian khó không thể nào quên ấy.

Tích cực, xông xáo trong công tác thiện nguyện, nhưng dịch bệnh ở thời điểm đó rất phức tạp, chị Tuyết Hằng và một số thành viên trong đội thiện nguyện đã nhiễm Covid-19. Cụ thể là vào ngày 22/7/2021, chị và 13 thành viên trong đội Bếp Mãn Tự cùng nhận kết quả dương tính với Covid-19 sau khi đi mang suất ăn cho các hộ dân bị cách ly ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.

Chị Tuyết Hằng nhớ lại quãng thời gian phải chống chọi với Covid-19 thật khủng khiếp: “Sốt, ho và nhất là có những lúc tưởng như không thể thở nổi, tôi và những F0 khác đã vật lộn với quãng thời gian 3 tuần tự cách ly không thể nào quên”.

Với nhiều người, nhiễm Covid-19 một lần đã là điều đáng sợ, chị Tuyết Hằng còn trải qua nỗi sợ đó đến 2 lần. Chỉ 1 tháng sau khi bình phục, chị bị nhiễm Covid-19 lần 2. Lần này, chị bị nhiễm bệnh trong quá trình đưa một F0 đến bệnh viện cấp cứu.

Nhắc đến quãng thời gian khó khăn đó, chị Tuyết Hằng chia sẻ: “Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng khi tham gia công tác thiện nguyện, chúng tôi phải chấp nhận rủi ro. Điều tôi sẽ nhớ mãi là tình cảm của mọi người, trong gian khó, các thành viên sát cánh cùng nhau, động viên nhau vượt qua khó khăn”.

Hướng dẫn viên Tuyết Hằng (bìa trái) và du khách trong một tour outbound. Ảnh: NVCC
Hướng dẫn viên Tuyết Hằng (bìa trái) và du khách trong một tour outbound. Ảnh: NVCC

Mong du lịch sớm khởi sắc trở lại

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của các hướng dẫn viên du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Số tour giảm trầm trọng, thậm chí du lịch phải tạm ngừng trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc buộc phải chuyển sang làm việc khác.

Cũng giống như nhiều đồng nghiệp, chị Tuyết Hằng cũng không thể dẫn tour trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, điều may mắn là chị vẫn có thể lo được cuộc sống cho bản thân và gia đình nhờ công việc kinh doanh hàng may mặc.

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện, chị và ông xã của mình đã có cửa hàng quần áo. Dịch bệnh bùng phát, gia đình chị chuyển sang kinh doanh online. Nhờ mối quan hệ sẵn có và sự tận tình phục vụ đối với khách hàng, công việc kinh doanh hàng may mặc của chị Hằng vẫn rất tốt, thậm chí chị còn có những đơn hàng đến từ các đối tác ở nước ngoài như Malaysia, Singapore, Philippines…

Hiện tại, chị Tuyết Hằng khá tất bật với công việc kinh doanh cũng như tiếp tục tham gia công tác thiện nguyện ở Bếp Mãn Tự, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù, công việc ổn định nhưng điều chị mong mỏi nhất là du lịch sớm khởi sắc trở lại.

Chị Tuyết Hằng chia sẻ, qua các phương tiện truyền thông, chị được biết, mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, từ ngày 15/3. Với chị, đó là một tin cực kỳ vui.

Đã có 15 năm gắn bó với nghề du lịch, chị Tuyết Hằng luôn khát khao được làm việc, cống hiến trên những đường tour. Là một hướng dẫn viên chuyên mảng outbound (đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài), inbound (đón khách quốc tế đi du lịch Việt Nam) và du lịch tàu biển, hơn ai hết, chị Tuyết Hằng ước mong ngành công nghiệp không khói hồi sinh, những nhân sự du lịch có thể quay lại với công việc yêu thích của mình.

Mới đây, chị Hằng đã thành lập công ty du lịch của riêng mình. Chị chia sẻ, dịch bệnh đã tác động nhiều đến thói quen, sở thích của du khách. Trong thời gian qua, chị đã nghiên cứu rất kỹ xu hướng, tâm lý của khách, đặc biệt là du khách trẻ tuổi. Chính vì thế, chị Hằng đã quyết định mở công ty để thỏa ước muốn thiết kế ra những tour du lịch có tính riêng biệt do chị tạo ra. Cộng với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động với vai trò là hướng dẫn viên tự do, chị tin rằng, mình sẽ gặt hái được những thành công trong thời gian tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ