Vượt qua hủ tục, cô gái Gia Lai làm nên “cổ tích giữa đời thường”

Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Y Byen ở làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đã nhận nuôi 2 đứa trẻ bị gia đình ruồng bỏ vì hủ tục.

Vượt qua hủ tục, cô gái Gia Lai làm nên “cổ tích giữa đời thường”

Cách đây 14 năm, lúc Y Byen mới 15 tuổi, khi cùng mẹ đến xã Đê Ar, huyện Mang Yang bán quần áo, nghe người dân làng nói về một người phụ nữ vừa sinh con xong đã qua đời. Theo hủ tục, bé trai này phải chôn sống theo mẹ. Y Byen và mẹ của mình đã vội vàng chạy tới đám tang người đàn bà xấu số để xin con, rồi đặt tên là Y Song.

Y Byen đã hy sinh hạnh phúc bản thân, nuôi dưỡng các con bằng tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ.

vuot qua hu tuc co gai gia lai lam nen co tich giua doi thuong hinh 1

Y Byen và các con.

“Có bao nhiêu thì nuôi bấy nhiêu”

Xin con đã khó, việc nuôi con đối với bé gái mới học lớp 9 quả là điều vô cùng khó khăn. Ngoài giờ đi học, Y Byen địu con lên rẫy, đi chăn bò. Nhà vốn nghèo, giờ lại nuôi thêm một đứa trẻ, cha mẹ Y Byen phải đi cạo mủ cao su thuê để lấy tiền nuôi con, nuôi cháu ngoại. Ngày qua ngày, Y Song được nuôi lớn bằng nước cơm thay sữa, bằng rau cháo và tình yêu thương vô bờ của những con người không cùng huyết thống.

Bà Y Wưt, mẹ Y Byen kể: “Lúc đó nghe người ta nói phải chôn Y Song cùng mẹ, tôi và Y Byen thương lắm nên quyết định xin về nuôi. Nhà nghèo, nhưng cả gia đình bàn với nhau dù có vất vả, phải làm thuê, làm mướn, cạo mủ cao su cũng phải cứu sống và nuôi Y Song nên người. Có bao nhiêu thì nuôi bấy nhiêu”.

Như duyên trời định, 11 năm sau, khi Y Byen đã trở thành ca sĩ của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Y Song cũng đã học tới lớp 4, thì cô có thêm đứa con nuôi thứ hai. Trong một lần biểu diễn văn nghệ ở xã Chư Á, thành phố Pleiku, Y Byen nghe thông tin về một bé trai bị bỏ rơi ngoài nghĩa địa. Hơn 30 người trong đoàn công tác, chỉ một mình Y Byen không ngần ngại tìm tới cháu bé, làm thủ tục đưa về nhà nuôi dưỡng và đặt tên là Y Sơn.

Nhớ lại giây phút nhận con nuôi, Y Byen vẫn không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động: “Khi ra nghĩa địa xã Chư Á, mình nhìn thấy một cháu bé được quấn trong cái khăn rất nhỏ đang thoi thóp. Mình nói với con rằng: Con ơi, có mẹ đây rồi, mẹ sẽ đưa con về” thì Y Sơn oà khóc. Bàn tay nhỏ bé của Y Sơn nắm lấy ngón tay mình, mình biết, mình phải thương con, có trách nhiệm lo cho con. Cuộc sống của mình còn khó khăn, nhưng giờ đây Y Song, Y Sơn có duyên là con của mình. Mình tự hứa với bản thân rằng sẽ có trách nhiệm lo lắng, nuôi dưỡng tới khi các con trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội”.

vuot qua hu tuc co gai gia lai lam nen co tich giua doi thuong hinh 2

Gia đình của Y Byen.

Cổ tích giữa đời thường

Cô gái trẻ Y Byen chưa có chồng, chưa từng sinh con, nhưng giờ đây là chỗ dựa của cha mẹ già gần 80 tuổi và 2 đứa con nuôi. Gánh nặng kinh tế khiến Y Byen chững chạc hơn so với tuổi 29 của mình. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc ở đoàn ca múa nhạc Đam San, cô còn tranh thủ đi hát bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Miệt mài lao động và tiết kiệm, Y Byen đã mua được 4 con bò, một đàn heo và 2 sào ruộng để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Y Byêm, bố của Y Byen cho biết, vì dành hết tình yêu thương cho 2 đứa con nuôi Y Song và Y Sơn nên đến giờ này, Y Byen vẫn chưa lập gia đình riêng. Bởi cô muốn tìm và gắn kết với người đàn ông yêu thương cả mình và 2 con.

vuot qua hu tuc co gai gia lai lam nen co tich giua doi thuong hinh 3

Y Byen đã hy sinh cả hạnh phúc cá nhân vì hai con.

“Y Byen đã gần 30 tuổi rồi, đã tới lúc lập gia đình. Nhưng vì Y Byen nói rằng phải tìm được người đàn ông nào thương cả 3 mẹ con thì mới tiến tới hôn nhân. Vì Y Byen không muốn các con mình khổ. Bản thân vợ chồng tôi đồng tình với suy nghĩ này của Y Byen vì chỉ như vậy thì chúng tôi mới yên tâm về tương lai của cháu Y Song và Y Sơn”, ông Y Byêm nói.

Năm nay Y Song đã học lớp 7, Y Sơn 3 tuổi. Dù không được sống đủ đầy, dư giả về vật chất, nhưng các cháu được mẹ Y Byen và ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dạy bằng tình yêu thương như những người ruột thịt. Ngôi nhà Y Byen tại làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa tuy chật hẹp, nhưng luôn đầm ấm tình cảm và tình thương bao la. Bởi nơi đó Y Song, Y Sơn, những đứa trẻ kém may mắn bị người thân ruồng bỏ vì hủ tục đã được cứu vớt và đang sống hạnh phúc trong vòng tay chở che của gia đình Y Byen.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ