Vị bác sĩ già “tặng chữ thoát nghèo”

GD&TĐ - Ở tuổi 61, bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến vẫn miệt mài khám, chữa bệnh miễn phí, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Để động viên tinh thần vượt khó, ông còn lập quỹ học bổng “Tặng chữ thoát nghèo”.

Bác sĩ Tiến thăm hỏi, tặng quà cho những trường hợp khó khăn, bệnh tật.
Bác sĩ Tiến thăm hỏi, tặng quà cho những trường hợp khó khăn, bệnh tật.

Tặng bảo hiểm y tế cho người nghèo

Buổi chiều ở phòng khám “Bác sĩ Tiến” (thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim, TP Kon Tum, Kon Tum) luôn tấp nập người chờ đến lượt. Trong chiếc blouse trắng quen thuộc, bác sĩ Tiến thăm khám và phát thuốc cho từng bệnh nhân. Những bệnh nhân nghèo đến đây khám bệnh đều được miễn phí toàn bộ.

Trong gian phòng chỉ độ chục mét vuông, hơn 4 năm qua, bác sĩ Tiến đã thăm khám miễn phí cho hơn 10 nghìn lượt bệnh nhân. Hàng ngày, cứ 7 giờ sáng bác sĩ Tiến lại mở cửa phòng khám, đến khi hết bệnh nhân ông mới nghỉ ngơi.

Bác sĩ Tiến cho hay, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ông bươn trải, làm nhiều công việc. Đến năm 2008 ông về nhà tại Kon Tum để mở phòng khám tư nhân. Ban đầu cơ sở của ông khám, chữa bệnh như những phòng khám tư nhân thông thường. Qua một thời gian, ông nhận thấy nhiều trường hợp bệnh nhân khó khăn không đủ điều kiện để chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhiều bạn bè của ông lên chơi, nhận thấy điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn nên có ý định hỗ trợ.

Với sự hỗ trợ của bạn bè và tâm huyết của mình, từ năm 2016 bác sĩ Tiến tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo.

“Những người đến tôi khám bệnh đa phần hoàn cảnh rất khó khăn. Có những bệnh nhân đến đây với bộ quần áo cũ nhàu, lấm lem bùn đất. Thương cho cuộc sống khổ cực của họ nên tôi không nỡ lấy tiền. Những ai nghèo, tôi phát cho họ “phiếu từ thiện”. Mỗi khi họ đến đây chỉ cần đưa phiếu ra, tôi sẽ thăm khám hoàn toàn miễn phí. Qua 4 năm, đến nay đã có hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám miễn phí”, bác sĩ Tiến cho hay.

Không chỉ khám bệnh miễn phí, bác sĩ Tiến còn dùng quỹ từ các mạnh thường quân hỗ trợ để mua bảo hiểm y tế phát cho người dân. Người nghèo chỉ cần mang sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân đến, bác sĩ Tiến sẽ làm thủ tục rồi phát bảo hiểm y tế cho họ. Mỗi thẻ bảo hiểm, bác sĩ mua với giá 804 nghìn đồng. Đã có gần 600 thẻ được trao đến người nghèo ở 8 xã, phường trên địa bàn.

“Bảo hiểm y tế chủ yếu tôi phát cho đồng bào dân tộc thiếu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai đến đây thăm khám tôi đều phát thẻ bảo hiểm cho họ. Cũng bởi vì hoàn cảnh khó khăn nên các sản phụ có thói quen sinh đẻ tại nhà. Tôi mong muốn khi có bảo hiểm họ sẽ đến bệnh viện sinh nở. Khi đó sức khỏe của mẹ và con sẽ được đảm bảo. Sau này lớn lên đứa trẻ ít bị bệnh tật”, bác sĩ Tiến tâm sự.

“Những người đến với tôi đa phần rất khó khăn, cơ cực. Do đó tôi giúp họ mà không suy nghĩ, đắn đo gì. Tuy nhiên, có một vài trường hợp “giành mất một phần hỗ trợ của người nghèo”. Tôi chỉ thấy thương cho những người nghèo khó. Nhưng tôi nghĩ, thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót”, bác sĩ Tiến nói.

Những món quà chứa chan tình người

Bà Y Blưn - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim (TP Kon Tum) cho biết, bác sĩ Nguyễn Quốc Tiến đã có nhiều đóng góp cho địa phương trong công tác từ thiện, hỗ trợ người nghèo. Bác sĩ Tiến là một trong những gương điển hình tiên tiến của xã. Tấm lòng của bác sĩ Tiến rất đáng được tuyên dương để nhiều người học tập và noi theo.

Thời gian vắng bệnh nhân, bác sĩ Tiến đi quanh các xã, làng nghèo trong thành phố để tìm những trường hợp khó khăn. Những gia đình nghèo khó, có trẻ em bị khuyết tật… bác sĩ đều đến thăm nom và hỗ trợ thực phẩm, tiền hàng tháng. Với mong muốn khích lệ, động viên tinh thần các em học sinh nghèo vượt khó, bác sĩ Tiến còn lập quỹ học bổng “Tặng chữ thoát nghèo”. Hiện tại có 54 em đang thụ hưởng quỹ học bổng này. Bác sĩ Tiến mong muốn các em học sinh cố gắng trong học tập để sau này trở về phát triển quê hương.

Bác sĩ Tiến cho hay, mỗi hoạt động từ thiện hỗ trợ người nghèo ông đều triển khai một chương trình riêng. Sau đó, ông đăng tải hình ảnh và nội dung chi tiết lên mạng xã hội để kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. Đa số các nhà tài trợ đều là bạn bè của ông ở khắp mọi miền đất nước. Trong quá trình khiển khai thực hiện ông đều công khai để mọi người biết.

Trong quá trình hỗ trợ người nghèo, có những câu chuyện xúc động mà nhiều năm trôi qua bác sĩ Tiến vẫn chưa thể quên. Nhiều bệnh nhân được ông hỗ trợ khi có bó rau, nải chuối hay con gà thường mang qua tặng để cảm ơn ông. Tuy nhiên, bác sĩ Tiến xua tay, lắc đầu không nhận. Ông nói người dân mang đi bán để lo cho gia đình. Có những người đồng ý mang về, có những người lén để lại.

Chị Y Lép (SN 1992, thôn Plei Druân, xã Ia Chim) cho hay, gia đình chị có 2 người con đều bị hở hàm ếch. Người con đầu của chị sinh năm 2010 đã được bác sĩ Tiến và các mạnh thường quân hỗ trợ mổ hở hàm ếch. Tuy nhiên, chẳng may, vào năm 2016 cháu bị mất do đuối nước. Người con còn lại nay được gần 3 tuổi cũng đã được bác sĩ Tiến hỗ trợ gần 2 năm nay.

“Con còn nhỏ lại hay đau ốm nên mình không thể đi làm. Kinh tế gia đình trong chờ vào đồng lương đi làm thuê của chồng mình. May mắn bác sĩ Tiến và các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ con mình. Cứ nửa tháng, bác sĩ Tiến lại vào thăm rồi hỗ trợ con mình sữa, thực phẩm, thuốc…. Mình biết ơn bác sĩ và mọi người lắm. Nhưng nhà nghèo quá, mình chẳng có gì báo đáp, chỉ biết cảm ơn mọi người rất nhiều”, chị Y Lép nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…