Ước mơ nhỏ nhoi của 3 chị em mồ côi học giỏi

GD&TĐ - Chúng tôi đến thăm nhà em Lê Thị Kim Anh – học sinh 11A5 trường THPT Lê Quảng Chí (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trong một buổi chiều cuối tháng 9. Cơn mưa nặng hạt làm cho ngôi nhà vốn đã tuềnh toàng càng thêm ảm đạm.

4 mẹ con chị Hồ Thị Quyên (P. Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh)
4 mẹ con chị Hồ Thị Quyên (P. Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

Gắng gượng vì con

Em Lê Thị Kim Anh là con thứ hai trong nhà đình. Nhà em thuộc diện hộ nghèo ở tổ dân phố Thắng Lợi – P. Kỳ Phương, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Bố mất sớm, một mình mẹ em là chị Hồ Thị Quyên phải tần tảo sớm hôm nuôi các con khôn lớn. Đáp đền công lao khó nhọc của mẹ, 3 em đều chăm ngoan, có thành tích học tập tốt.

Chị gái đầu là Lê Phương Anh hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa ngoại ngữ, ĐH Hà Tĩnh. Kim Anh và em gái Lê Thị Kim Dung – học sinh lớp 8C trường THCS Kỳ Phương đều nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.

Ngôi nhà dột tứ phía của mẹ con chị Quyên
Ngôi nhà dột tứ phía của mẹ con chị Quyên

Ngôi nhà của 4 mẹ con nằm lọt thỏm giữa khu đất mọc đầy cỏ dại. Tài sản quý giá nhất trong ngôi nhà ấy là bức tường được dán những tấm giấy khen nằm ngay ngắn, trang trọng ở gian giữa ngôi nhà. Đây cũng là vị trí duy nhất trong ngôi nhà mà nước mưa không thấm đến. Bởi trong ngôi nhà ấy, tứ phía đều phải chắp nối, vá víu.

Để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học, chị Quyên phải xoay đủ nghề từ làm thuê cuốc mướn đến phụ hồ, bốc vác, …Cuối tháng, có khi chị phải bán đi một vài con gà hoặc ứng trước tiền công để kịp gửi ra trường cho con ăn học.

Kim Anh và mẹ nghẹn ngào tâm sự về hoàn cảnh khốn khó của gia đình
Kim Anh và mẹ nghẹn ngào tâm sự về hoàn cảnh khốn khó của gia đình

Công việc lao động nặng nhọc khiến chị bị bệnh tê bì chân tay, nhiều lúc tay không có cảm giác. “Trong một năm, tôi đội cùng lúc 3 cái tang. Khi chồng tôi đang nằm viện điều trị ung thư gan thì mẹ chồng mất. Bà ra đi chưa được 100 ngày thì chồng tôi cũng đi theo. Chưa kịp vực dậy tinh thần thì 100 ngày sau mẹ ruột cũng bỏ tôi đi nốt. Đau thương dồn dập tôi ngỡ như không vực dậy nổi. Nhưng nghĩ đến 3 con đang tuổi ăn tuổi học, tôi phải gắng gượng...”, giọng chị nghẹn ngào khi kể lại thời gian bi đát nhất của gia đình.

Ước mơ một mái nhà lành lặn

Ngôi nhà nhỏ nơi 4 mẹ con chị đang sinh sống là do ông bà nội để lại. Từ Quỳnh Lưu – Nghệ An, chị theo chồng vào đất Kỳ Anh làm ăn sinh sống ngót ngét đã 20 năm. Dù đã 3 mặt con, nhưng chị Hương chưa từng được bao giờ được sống trong một mái nhà lành lặn.

Trong căn nhà tuềnh toàng không có lấy một đồ dùng có giá trị
Trong căn nhà tuềnh toàng không có lấy một đồ dùng có giá trị

Căn nhà 2 gian chỉ đủ  đặt 2 cái bàn thờ và 1 góc học tập nhỏ cho các con. Còn 4 mẹ con chị chen chúc nhau trên 1 cái giường nhỏ kê ở bên chái tường loang lổ. Cơn bão số 10 năm 2017 làm tốc mái nhà, dỡ bay luôn mái che và xô đổ tường căn bếp nhỏ. Hàng xóm thương tình giúp chị lợp lại mái ngói và dựng tạm mái che trước nhà để ngăn nước mưa. Bốn năm sau bão, đứng trong căn bếp nhỏ nhìn lên bức tường toang hoác còn thấy cả trời.

Chừng ấy năm ra riêng, cũng là chừng ấy năm vợ chồng chị luôn nằm trong danh sách hộ nghèo “bền vững” của thôn.

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 3 chị em đều chăm chỉ và học giỏi
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 3 chị em đều chăm chỉ và học giỏi

Lúc chúng tôi vào thăm nhà, em Lê Phương Anh đang học trực tuyến. Do ảnh hưởng của dịch Covid nên từ đầu năm đến nay em chưa thể quay lại trường. Trò chuyện với em, chúng tôi được biết: Năm 2020, khi còn đúng 1 tuần nữa là em bước vào kì thi tốt nghiệp THPT thì bố em qua đời. Em đã nén nỗi đau và hoàn thành kì thi một cách xuất sắc với số điểm 25,25.  Em đăng kí vào Khoa ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Trung – ĐH Hà Tĩnh với mong muốn được gần gũi mẹ và các em.

Em chia sẻ : “Mỗi tháng mẹ chỉ gửi cho em đủ tiền trả phí thuê trọ. Để có tiền sinh hoạt và học tập em phải đi làm thêm, chạy bàn cho các quán ăn. Nhiều lúc cuối tháng, mẹ chưa có tiền gửi ra em phải mượn tiền bạn bè mua mì tôm, sống tạm qua ngày.”

Khó khăn là thế nhưng các em chưa bao giờ ngừng nỗ lực vươn lên. Những tấm giấy khen, những thành tích mà các em đã đạt được là minh chứng rõ ràng nhất. Đó cũng là món quà đáp đền sự khó nhọc của người mẹ;  sự yêu thương, quan tâm của các thầy cô cả 3 trường các em theo học; sự động viên hỗ trợ kịp thời của chính quyền và các mạnh thường quân.

Những tấm giấy khen là sự động viên và lời cảm ơn của các em dành cho mẹ
Những tấm giấy khen là sự động viên và lời cảm ơn của các em dành cho mẹ

Khi được hỏi về ước mơ của mình, em nói: “Nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhà trường, nhà hảo tâm, năm học mới các em đã có  đủ sách vở, áo quần và cả thiết bị phục vụ học trực tuyến. Em không dám mơ ước gì thêm cho bản thân, chỉ mong có một căn nhà lành lặn hơn để những lúc mưa gió mẹ và các em không phải hứng nước mưa.”

Rời khỏi ngôi nhà mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Liệu có điều kì diệu nào cho mong ước nhỏ nhoi của 3 cô học trò nghèo, mồ côi cha giàu nghị lực?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ