Ứng dụng cảm biến Kinect: Giúp người khuyết tật có cơ thể trọn vẹn

GD&TĐ - 2 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã mày mò nghiên cứu và ứng dụng thành công cảm biến Kinect phục vụ quá trình tạo mẫu tay chân giả cho người khuyết tật.

Sinh viên Phạm Văn Việt (thứ 2, phải sang) và Nguyễn Lương Nhân (thứ 3, phải sang) nhận giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng vào ngày 11/12.
Sinh viên Phạm Văn Việt (thứ 2, phải sang) và Nguyễn Lương Nhân (thứ 3, phải sang) nhận giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng vào ngày 11/12.

Hướng đi mới

Trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng vừa qua, đề tài Nghiên cứu ứng dụng cảm biến Kinect phục vụ quá trình tạo mẫu tay chân giả cho người khuyết tật của sinh viên Phạm Văn Việt và Nguyễn Lương Nhân 18CDT1 đến từ Bộ môn Cơ điện tử - Khoa Cơ khí - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH SPKT) đã xuất sắc vượt qua 150 đề tài khác để giành giải Nhất.

Để có thành công trên là cả quá trình đầy nỗ lực cố gắng của các sinh viên và giảng viên Trường ĐH SPKT. Nói về đề tài của mình, sinh viên Phạm Văn Việt và Nguyễn Lương Nhân cho hay: “Chúng em chọn đề tài này với mong muốn giúp người khuyết tật giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Theo sinh viên Phạm Văn Việt, hiện một số nước trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ quét hình và in 3D phục vụ cho lĩnh vực chế tạo chi giả cho người khuyết tật, đặc biệt phục vụ cho công đoạn lấy mẫu mỏm cụt để chế tạo ổ chứa mỏm cụt (Socket) của chân giả.

“Trong khi đó tại Việt Nam, công nghệ này chưa được phổ biến. Công nghệ này giúp chúng ta giải quyết được những khuyết điểm của phương pháp cũ, tạo ra một bộ phận tay chân giả nhanh chóng, vừa vặn với từng bệnh nhân mà giá cả lại hợp lý, đồng thời góp phần đưa Việt Nam bắt kịp với công nghệ quét hình, in 3D trong chế tạo chi giả trên thế giới”, Việt chia sẻ.

Chia sẻ quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sinh viên Nguyễn Lương Nhân cho biết: Thông thường để lấy mẫu hình dạng và kích thước cơ thể, người ta sử dụng các máy quét hình 3D công nghiệp có chi phí rất đắt. “Chính vì vậy, để có thể giải quyết vấn đề tài chính, phù hợp với điều kiện kinh tế ở Việt Nam, chúng em đã nghiên cứu và đề xuất một quy trình công nghệ tạo mẫu tay chân giả phục vụ người khuyết tật dựa vào công nghệ quét hình 3D sử dụng cảm biến Kinect có giá thành rẻ, bởi nó vốn là một thiết bị cảm biến ngoại vi thu chuyển động phát triển bởi hãng Microsoft”, sinh viên Nhân bật mí.

Cụ thể, đề tài đã đề xuất một giải pháp hoàn toàn mới ở Việt Nam, ít tốn kém hơn trong việc chế tạo tay chân giả cho người khuyết tật và đã đạt được các mục tiêu: Ứng dụng cảm biến Kinect có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các máy scan 3D để thực hiện quá trình lấy mẫu mỏm cụt. Số hóa toàn bộ thông số về kích thước và hình dạng của chi khuyết tật từ đó tạo ra chi giả phù hợp hơn cho người sử dụng. Xử lý dữ liệu quét và thiết kế được ổ mỏm cụt và thực hiện được việc chế tạo ổ mỏm cụt bằng công nghệ in 3D.

TS Phan Nguyễn Duy Minh – giảng viên Bộ môn Cơ điện tử - Khoa Cơ khí, Trường ĐH SPKT, người trực tiếp hướng dẫn đề tài - cho hay: Nhóm đã nghiên cứu và đề xuất được một quy trình tạo mẫu tay chân giả cho người khuyết tật kết hợp giữa công nghệ quét hình 3D bằng cảm biến Kinect giá rẻ và công nghệ in 3D.

“Việc áp dụng quy trình này cho phép tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian, thêm vào đó với công nghệ này, bệnh nhân không cần phải bôi hoặc nhúng phần chi cụt vào bất cứ hóa chất hay chất phụ trợ nào cả. Việc thiết kế ổ mỏm cụt được thực hiện trên các phần mềm miễn phí từ dữ liệu quét hình cho phép tạo ra sản phẩm nhanh chóng và tương thích cao với mỏm cụt của bệnh nhân.

Đây là nghiên cứu có tính ứng dụng rất cao trong việc hỗ trợ người tàn tật tiếp cận với các dụng cụ chân tay giả có giá thành thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm chân tay giả truyền thống và sẽ mở ra một hướng đi mới cho công nghệ chế tạo tay chân giả hiện đại, giá thành thấp cho người khuyết tật tại Việt Nam”, TS Minh thông tin.

Quy trình thiết kế chi giả dựa vào cảm biến Kinect công nghệ in 3D.
Quy trình thiết kế chi giả dựa vào cảm biến Kinect công nghệ in 3D.

Vượt khó trong nghiên cứu khoa học

Theo TS Phan Nguyễn Duy Minh, đề tài này của sinh viên chỉ thực hiện trong thời gian 6 tháng và kinh phí chỉ có 4 triệu đồng. Tuy thời gian ngắn, số tiền ít nhưng nội dung thực hiện và kết quả đạt được của hai em Phạm Văn Việt và Nguyễn Lương Nhân rất đáng ghi nhận. “Mặc dù, quá trình thực hiện đề tài còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các em luôn thể hiện được sự chăm chỉ, nỗ lực trong nghiên cứu, từng bước giải quyết các vấn đề đặt ra trong đề tài”, TS Minh nhấn mạnh.

Ghi nhận sự nỗ lực của nhóm, PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT - cho hay: Thành công của nhóm nghiên cứu đã khẳng định được uy tín của nhà trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. “Nhà trường luôn xác định nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó quan tâm và hỗ trợ giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động này. Nhà trường luôn có số lượng đông đảo giảng viên, sinh viên quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học để thúc đẩy cho sự phát triển của trường.

Bên cạnh đó, trường luôn đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Luôn tạo ra cơ chế tốt nhất nhằm khuyến khích sinh viên tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những đề tài có sức sáng tạo, ứng dụng tốt vào trong đời sống”, PGS.TS Phan Cao Thọ khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ