Tủ bánh mì 0 đồng hỗ trợ học sinh khó khăn

GD&TĐ - Thương học trò đến lớp với chiếc bụng đói, thầy Tùng đã kêu gọi bạn bè, nhà hảo tâm hỗ trợ triển khai mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng”.

Thầy Tùng phát bánh mì, bánh bao cho các em học sinh.
Thầy Tùng phát bánh mì, bánh bao cho các em học sinh.

Nhờ vậy, mỗi sáng học sinh không còn đói khi đi học và nhà trường duy trì được tỷ lệ chuyên cần.

Nhịn đói đến trường

Những ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, thầy Vũ Văn Tùng (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) rẽ màn sương chở hai thùng bánh mì đến điểm trường làng Bi Giông. Đến nơi, thầy Tùng thoăn thoắt đôi tay sắp xếp bánh mì và bánh bao lên tủ để kịp giờ học sinh đến trường.

6 giờ hơn, hàng chục học sinh rảo bước tiến vào cổng trường. Các em lần lượt đến trước “Tủ bánh mì 0 đồng” để nhận bánh mì kẹp xúc xích hoặc bánh bao từ tay thầy Tùng. Cầm bánh mì, bánh bao trên tay lũ trẻ ngồi qua một góc thưởng thức bữa sáng của mình.

“Điểm trường làng Bi Giông có khoảng 80 học sinh. Hoàn cảnh của các em vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên những chiếc bánh mì, bánh bao dường như là thứ xa xỉ. Do đó, mỗi sáng khi có bánh mì, bánh bao để ăn các em vô cùng thích thú”, thầy Tùng chia sẻ.

Gần 10 năm công tác tại trường, thầy Tùng chứng kiến nhiều học sinh nhịn đói đến trường. Một số em đến giờ ra chơi trốn lớp tranh thủ về nhà để tìm đồ ăn lấp đầy chiếc bụng đói. Đặc biệt, vào ngày mùa, bố mẹ lên rẫy từ sáng sớm đến tối mịt mới về nên đa số các em tự nấu ăn.

“Tủ bánh mì 0 đồng” ấm lòng học sinh mỗi buổi sáng đến trường.
“Tủ bánh mì 0 đồng” ấm lòng học sinh mỗi buổi sáng đến trường.

Thương học trò mang bụng đói đến lớp, thầy Tùng đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ để các em có bữa ăn sáng. Sau đó, một tiệm bánh mì trên địa bàn đồng ý hỗ trợ 60 ổ/tuần để phát ở điểm trường Bi Gia. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, thầy Tùng cùng bạn bè tiếp tục kêu gọi để xây dựng “Tủ bánh mì 0 đồng” tại điểm trường làng Bi Giông với số lượng bánh mì tăng lên 200 ổ/ngày. Tuy nhiên, số lượng này vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của các em. Bởi ngoài học sinh của trường, mỗi ngày người dân lại ghé trường xin bánh về cho con nhỏ ăn.

“Để kịp cho học sinh ăn sáng, mỗi tuần 3 ngày tôi dậy từ 4 giờ sáng vượt khoảng 40km đi lấy bánh mì về phát cho các em. May mắn vợ hiểu và cảm thông nên luôn động viên, chia sẻ và lo chu đáo cho các con ở nhà. Nhờ vậy, mỗi ngày tôi kịp phát bánh mì cho học sinh rồi quay trở lại trường chính dạy chữ”, thầy Tùng chia sẻ.

Ngoài học sinh của trường, một số em nhỏ trong làng cũng đến xin bánh mì, bánh bao ăn sáng.
Ngoài học sinh của trường, một số em nhỏ trong làng cũng đến xin bánh mì, bánh bao ăn sáng.

Mong học trò luôn no bụng

Hơn 1 tháng triển khai mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” có những câu chuyện xúc động khiến thầy Tùng không khỏi xót xa và thương học trò.

Vào một buổi sáng như mọi ngày, sau khi phát bánh mì cho học trò xong thầy đến từng lớp hỏi thăm các em ăn có ngon không, no không. Sau khi học trò đồng thanh trả lời “Thưa thầy ngon ạ, no ạ” thì thầy Tùng hỏi có ai cần thêm bánh mì, bánh bao không. Lúc này, em Đinh Sên, lớp 3/1 (điểm trường Bi Gia) ngại ngùng giơ tay lên rồi nói: “Thầy cho em xin thêm một cái để ăn trưa cho đỡ đói, bố mẹ em đi làm đến tối mới về. Nhà em giờ không còn gì ăn cả”.

Thấu hiểu sự khó khăn của học trò thầy Tùng phát thêm bánh mì cho Đinh Sên và động viên em cố gắng vượt khó vươn lên trong học tập. Đồng thời, thầy Tùng cũng nhờ giáo viên lập danh sách những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để xin thêm bánh mì, giúp các em no bụng khi đến trường.

“Hiện tại, mỗi tuần vào thứ Hai, Tư và thứ Sáu, tôi đi lấy bánh mì và phát cho học sinh tại điểm trường Bi Giông. Còn điểm trường Bi Gia thì nhờ giáo viên phát vào thứ Năm. Tủ bánh mì không được triển khai nguyên tuần một phần vì kinh phí hạn hẹp, phần nữa là không có nhân lực hỗ trợ. Bởi giáo viên nơi đây đa số nhà xa, cách trường vài chục km.

Thời gian tới, tôi hy vọng sẽ kêu gọi được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ để có thể triển khai “Tủ bánh mì 0 đồng” các ngày trong tuần. Qua đó, học sinh sẽ không còn đói bụng khi đi học”, thầy Tùng chia sẻ.

Cũng theo thầy Tùng, học sinh nơi đây không chỉ nhịn đói khi đến lớp mà nhiều em còn không có dép phải đi chân đất đến trường. Do đó, thầy đang kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ dép, áo ấm… cho học sinh. Qua đó, động viên, khích lệ và tiếp thêm động lực giúp các em vững bước đến trường.

Thầy Lê Công Tấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, cho biết: Toàn trường có gần 400 học sinh. Trong đó, đa số các em là người đồng bào dân tộc Bahnar nên điều kiện gia đình khá khó khăn. Do đó, khi mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” được triển khai đã giúp các em no bụng khi đến lớp và góp phần duy trì sĩ số học sinh.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ