"Thực phẩm đến tay” người dân khu vực phong tỏa

GD&TĐ - Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân Quảng Bình lo lắng sẽ thiếu thực phẩm và đồ dùng để sử dụng. Thế nhưng họ đã yên tâm hơn bởi đã có các bạn đoàn viên thanh niên hỗ trợ mua giúp, đưa đến tận nhà.

Đoàn thanh niên đã thành lập Đội "shipper tình nguyện" hỗ trợ mua thực phẩm, đồ dùng và vận chuyển về tận nhà người dân.
Đoàn thanh niên đã thành lập Đội "shipper tình nguyện" hỗ trợ mua thực phẩm, đồ dùng và vận chuyển về tận nhà người dân.

Thấu hiểu để chung tay

Khi nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19, nắm bắt được khó khăn mà người dân sẽ trải qua, đặc biệt là việc mua sắm thực phẩm, đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày;

Nhiều đoàn cơ sở trực thuộc Tỉnh đoàn Quảng Bình đã huy động hàng trăm đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và giúp đỡ người dân trên địa bàn.

Hàng trăm lượt đi chợ cùng những chuyến hàng tươi ngon, đảm bảo chất lượng được các bạn đoàn viên thanh niên chuyển đến tay người dân, đã phần nào giúp họ bớt dần những lo lắng và yên tâm, thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch theo quy định.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thu Hương, một người dân tại xã Vạn Trạch ( huyện Bố Trạch) cho biết: “Trong thời gian gia đình mình thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, cũng gặp không ít bất tiện, khó khăn. Nguồn lương thực trong nhà cũng cạn dần.

Đặc biệt là các loại rau, thịt không bảo quản được lâu. Nhưng cũng may có các bạn trẻ của địa phương hỗ trợ mua và đưa đến tận nhà các thực phẩm cần thiết nên mọi người an tâm hơn thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch”.

Các đoàn cơ sở chung tay nấu cơm gửi tặng các chốt trực và người dân khu cách ly ( Ảnh: Mai Phương).
Các đoàn cơ sở chung tay nấu cơm gửi tặng các chốt trực và người dân khu cách ly ( Ảnh: Mai Phương).

Anh Hoàng Thái Sơn, Bí thư Đoàn xã Vạn Trạch chia sẻ, sau khi nhận thấy nhu cầu của người dân địa phương về lương thực, nhu yếu phẩm sử dụng trong thời gian cách ly xã hội là rất lớn. Nhưng việc di chuyển bị hạn chế, nguy cơ lây, nhiễm dịch ở những khu vực đông người như chợ là rất cao nên đoàn đã thành lập đội “shipper tình nguyện” để hỗ trợ người dân.

Đội “shipper tình nguyện” của xã Vạn Trạch gồm 15 thành viên là các đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Khi tổng hợp được nhu cầu từ người dân, đội sẽ cử đội viên đưa danh sách những hàng hóa người dân đã đăng ký để mua giúp. Sau đó, các thành viên trong đội chia nhau đưa lượng hàng đã được mua đến tận từng nhà.

“Chúng tôi đăng số điện thoại của các đội viên lên facebook của Đoàn xã để người dân cần mua hàng liên hệ. Hoặc các đoàn viên phụ trách thôn sẽ thu thập nhu cầu và báo về đội mua hàng. Sau khi mua hàng các “shipper tình nguyện” sẽ đưa hàng đến tận nhà người dân.”, anh Sơn cho biết thêm.

Nhiều những việc làm ý nghĩa

Cùng với đó, ngoài nguồn hàng được mua từ chợ, các cơ sở đoàn còn thu mua các loại hàng hóa, nông sản từ người dân trong vùng phong tỏa đã đến thời kỳ thu hoạch, xuất bán. Việc làm này vừa đảm bảo cung cấp đủ hành hóa cho người dân sử dụng, đồng thời không để tồn đọng đẫn đến hư hỏng, thua lỗ các mặt hàng do người dân địa phương tự sản xuất, chăn nuôi.

Anh Phan Trí Dũng, Bí thư Huyện Đoàn Bố Trạch cho biết, trên địa bàn huyện đã có nhiều đội giao hàng tình nguyện được thành lập ở các xã, thị trấn nhằm hỗ trợ người dân.

“Các đoàn viên, thanh niên tại địa bàn luôn nhiệt tình cùng lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch. Một số hoạt động tiêu biểu như tham gia trực chốt, lập đội “shipper tình nguyện” đi chợ giúp dân và hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu. Huyện Đoàn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp đó của các đoàn viên, thanh niên”, anh Dũng cho biết.

Được sự hỗ trợ của các đoàn viên thanh niên, người dân yên tâm và chấp hành tốt công các phòng chống dịch.
Được sự hỗ trợ của các đoàn viên thanh niên, người dân yên tâm và chấp hành tốt công các phòng chống dịch.

Còn tại huyện Lệ Thủy, anh Phạm Văn Hoạt, Bí thư Huyện Đoàn Lệ Thủy cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Thường vụ Huyện đoàn đề nghị các đoàn cơ sở trực thuộc, khẩn trương thành lập đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh luôn túc trực, sẵn sàng cùng với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Các đoàn viên, thanh niên sẽ hỗ trợ thiết lập các khu cách ly, công tác nhập dữ liệu khai báo y tế, hỗ trợ trực chốt kiểm soát dịch bệnh. Công tác hậu cần đặc biệt là việc tiếp nhận, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với các hộ dân trong khu vực phong tỏa và các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, thị trấn.

Đoàn viên hỗ trợ người dân thu hoạch vụ mùa.
Đoàn viên hỗ trợ người dân thu hoạch vụ mùa.

Huyện Đoàn Lệ Thủy cũng đã thành lập ra các đội hình "Shipper tình nguyện” để vận chuyển các nhu yếu phẩm, hàng hóa hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, các khu vực cách ly, phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 và những tổ, chốt phòng chống dịch.

Ngoài duy trì đội “shipper tình nguyện” với hàng chục thành viên, Huyện đoàn Lệ Thủy cũng đã phối hợp với các mạnh thường quân tổ chức nấu gần 1000 suất gửi đến các khu cách ly và chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn.

Những việc làm thiết thực trên của đoàn viên thanh niên Quảng Bình đã phần nào giúp người dân an tâm, thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.