Sư cô 10 năm miệt mài chữa bệnh cứu người

GD&TĐ - 10 năm qua, sư cô Thích nữ Minh Chánh (57 tuổi, phụ trách phòng khám bệnh y học cổ truyền từ thiện Tuệ Tĩnh đường của chùa Bảo Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài khám chữa bệnh từ thiện cứu giúp người nghèo. Niềm vui lớn nhất đối với sư cô là nhìn những bệnh nhân của mình khỏe mạnh, bình an.

Sư cô Minh Chánh đang bốc thuốc
Sư cô Minh Chánh đang bốc thuốc

Cứu giúp hàng ngàn người bệnh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại TP Pleku, Nguyễn Thị Thu Hằng đã sớm dứt nợ với đời để đi vào đường tu ở chùa Bảo Sơn với pháp hiệu Thích nữ Minh Chánh.

Bản thân từng chịu đựng những nỗi đau do bệnh thoái hóa cột sống hành hạ, cũng như chứng kiến bao cảnh người nghèo mắc bệnh nhưng không có điều kiện chữa trị, phải quằn quại trong cơn đau, nên ngay từ nhỏ Minh Chánh ước muốn trở thành một lương y để khám chữa bệnh cứu người, cứu đời. Vậy nên sư cô đã quyết tâm vừa tu vừa theo học nghề đông y.

Năm 2001, sư cô Minh Chánh tốt nghiệp lương y đa khoa và làm việc tại Minh Đường (quận 4, TPHCM). Năm 2003, sư cô được tặng giấy khen xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ TPHCM trong việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Năm 2008, sau gần 10 năm theo học và chữa bệnh tại TPHCM, sư cô Minh Chánh được ni sư trụ trì chùa Bảo Sơn gọi về phụ trách phòng khám bệnh y học cổ truyền từ thiện Tuệ Tĩnh đường vừa mới thành lập.

“Dù là phòng khám từ thiện nhưng ban đầu, người đến khám rất ít vì chưa tin tưởng. Dần dần, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, người bệnh nghèo đến khám và xin thuốc ngày một đông hơn. Chúng tôi lấy đó làm niềm vui như lời Đức Phật đã răn dạy: Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ”, sư cô Minh Chánh bộc bạch.

10 năm nay, đều đặn các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần, phòng khám Tuệ Tĩnh đường của chùa Bảo Sơn lại mở cửa khám bệnh, châm cứu giúp đỡ người nghèo. Buổi chiều thứ bảy và chủ nhật, phòng khám phát thuốc chữa bệnh miễn phí.

Phòng châm cứu cho bệnh nhân
Phòng châm cứu cho bệnh nhân

Tâm thiện nơi cửa chùa

Chứng kiến việc làm đầy tính nhân văn của sư cô Thích nữ Minh Chánh và các cộng sự, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến cúng dường, quyên góp tiền của giúp nhà chùa xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nhiều người bệnh cũng để tâm tìm kiếm những cây thuốc có trong vườn rẫy nhà mình theo chỉ dẫn của sư cô và đem đến tặng chùa làm thuốc.

“Bình quân mỗi tuần, nhà chùa cấp phát khoảng 1.400 thang thuốc nam. Hầu hết người bệnh tìm đến nương nhờ cửa chùa là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nên nhà chùa cấp phát thuốc miễn phí cho họ chứ không bán. Cũng có nhiều người gửi lại chút ít tiền cho chùa nhưng đó là tấm lòng hảo tâm họ cúng dường chứ nhà chùa không đòi hỏi”, sư cô Minh Chánh cho biết.

Từ kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, sư cô Minh Chánh còn không ngừng học hỏi, nghiên cứu những bài thuốc hay để phục vụ việc khám chữa bệnh, bốc thuốc và châm cứu cho bệnh nhân ngày càng hiệu quả.

Không chỉ chữa bệnh cứu người, 9 năm nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, tuần nào cũng vậy, cứ đến ngày chủ nhật các sư cô chùa Bảo Sơn lại đến phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Mỗi lần như vậy, các sư cô phải dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị 10 thùng cháo đầy đủ dinh dưỡng, với số lượng 15kg gạo, 15kg khoai tây, cà rốt, 8kg thịt. Chắc có lẽ, với nhiều người, một bát cháo buổi sáng chẳng nghĩa lý gì. Nhưng đối với người nghèo không chỉ là bát cháo ăn cho ấm bụng mà ở đó còn là tình thương, sự tiếp sức cho bệnh nhân có thêm sức lực, niềm tin đấu tranh với bệnh tật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.