Sẻ chia gánh nặng học đường

GD&TĐ - Gánh nặng chi phí học hành, sinh hoạt của nhiều SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn, biết vươn lên trong học tập đã được sẻ chia nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà trường và doanh nghiệp.

Tham gia nhóm Sinh viên Học tập – Nghiên cứu, Lê Văn Tý cùng các bạn được tạo điều kiện sử dụng xưởng thực hành, phòng thí nghiệm để hỗ trợ nghiên cứu khoa học
Tham gia nhóm Sinh viên Học tập – Nghiên cứu, Lê Văn Tý cùng các bạn được tạo điều kiện sử dụng xưởng thực hành, phòng thí nghiệm để hỗ trợ nghiên cứu khoa học

Tự lập từ 18 tuổi

Suốt 3 năm theo học tại trường CĐ Công nghệ, nay là trường ĐH Sư phạm – Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), Lê Văn Tý, SV lớp 15 CĐT1, tự mình xoay xở từ chi phí sinh hoạt cho đến tiền đóng học phí. Nhà có 4 anh chị em, khi Tý tốt nghiệp THPT thì người anh vẫn đang là SV theo học tại TP Hồ Chí Minh. Với 22,5 điểm, đủ điểm để đăng ký xét tuyển và đỗ đại học, nhưng Tý chọn theo học CĐ để vừa rút ngắn thời gian học, có cơ hội thực hành nhiều để thích lũy thêm kinh nghiệm và sớm được đi làm. “Lúc đó, nhà em đã vay vốn tín dụng SV cho anh rồi nên đến em đi học nữa là cả một gánh nặng lớn cho ba mẹ em. Muốn được tiếp tục học, em phải hứa với ba mẹ là sẽ tự lo mọi chi phí học hành” - Tý kể.

18 tuổi, Lê Văn Tý đủ lớn để hiểu những chuyến đi bạn của cha và rổ bánh hàng ngày mẹ bán rong trong các xóm nhỏ ở thôn quê không đủ để nuôi anh trai của em đang ăn học tận Sài Gòn đắt đỏ. Được ở ký túc xá miễn phí, thời gian đầu, Tý xin được chân phục vụ trong một quán kem, tằn tiện để lo cho cuộc sống của mình. Một thời gian ngắn sau, Tý được giới thiệu làm gia sư cho 2 em học sinh lớp 7 và lớp 10. Cứ thế, ngày đi học, gần như tối nào Tý cũng đi dạy kèm, và phải tranh thủ mọi thời gian để học.

Cố gắng duy trì kết quả để nhận học bổng là mục tiêu của Lê Văn Tý. “Học kỳ nào em cũng được nhận học bổng khuyến khích của nhà trường với mức 2,9 triệu, em chỉ phải thêm một ít để nộp tiền học phí”. Em tranh thủ học và nghiên cứu ở trường vào ban ngày. Đạt giải Nhất tại Hội nghị SV Nghiên cứu khoa học năm 2017 của trường, Lê Văn Tý cũng nhận được mức học bổng toàn phần với 15 triệu/học kỳ; đây là mức học bổng cao nhất của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng. “Đó thực sự là một món quà cho những nỗ lực, cố gắng của bản thân em. Nó giúp cho em giải quyết gánh nặng tài chính trong giai đoạn đang tập trung làm đồ án tốt nghiệp”. Hiện em đang là nhóm trưởng của một nhóm Học tập – Nghiên cứu của SV trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật với 15 SV tham gia, chịu trách nhiệm hướng dẫn các bạn SV từ lên ý tưởng cho đến hoàn thiện sản phẩm.

Vượt qua giới hạn bản thân

Có hai lần được nhận mức học bổng toàn phần UTE với mức 15 triệu/học kỳ, Nguyễn Thị Hà, SV lớp 15T3 (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Chuyển từ mốc học bổng khuyến khích với 2,9 triệu/học kỳ sang mức 15 triệu/học kỳ, em có thêm động lực để nỗ lực hơn nữa trong học tập”. Và cô SV người Quảng Trị đã đăng ký thêm 2 học kỳ hè để rút ngắn thời gian học tập. “Em phải làm thêm để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, gia đình em chỉ hỗ trợ học phí cho những khóa học ngắn hạn ở bên ngoài thôi nên với chúng em, học bổng có ý nghĩa rất lớn để cải thiện điều kiện ăn học” – Hà chia sẻ.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết, ngoài nguồn học bổng từ ngân sách nhà nước, học bổng UTE từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà tài trợ đã giúp cho nhiều HSSV khó khăn được yên tâm học tập, với mức thưởng 30 triệu đồng/SV/năm học.

Nhà trường có một Hội đồng tuyển chọn đảm bảo chọn lựa đúng các nhân tố đạt thành tích tốt nhất trong học tập, nghiên cứu khoa học, vì cộng đồng và trên nhiều phương diện khác, học bổng này vô cùng ý nghĩa đã phát huy được tác dụng trong việc thúc đẩy sự nỗ lực vượt qua chính mình và có tác dụng lan tỏa trong phong trào học tập, nghiên cứu khoa học và cống hiến vì cộng đồng của sinh viên toàn trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.