Quán cà phê của những người “đặc biệt”

GD&TĐ - Từ những chuyến đi thiện nguyện của mình, anh Trần Đình Tâm (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã ấp ủ xây dựng quán cà phê tạo việc làm cho những người khiếm thính.

Những nhân viên của quán cà phê Angel phần lớn là người khiếm thính.
Những nhân viên của quán cà phê Angel phần lớn là người khiếm thính.

Sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh doanh của anh ngày càng hiệu quả.

Đồng cảm với những thân phận khiếm khuyết

Vốn là người thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, anh Trần Đình Tâm (28 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người bị khuyết tật. Thương và đồng cảm với những số phận của những người không may bị khiếm khuyết, anh Tâm đã ấp ủ làm mô hình kinh doanh để tạo điều kiện cho những người khiếm khuyết có một nơi để làm việc, học tập, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc với nhiều người, rèn luyện các kỹ năng và hòa nhập tốt với cộng đồng.

Đến năm 2019, sau nhiều bàn tính với vợ và gia đình, anh Tâm đã quyết định mở quán và gửi lời mời những bạn trẻ khuyết tật về làm nhân viên. Tại đây, tất cả các nhân viên đều trải qua thời gian dài tập huấn, đào tạo về phục vụ, pha chế…

Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát liên tục suốt 2 năm qua, ước mơ làm mô hình của anh Tâm lại phải gác lại. Đến giữa tháng 10/2021, khi Đà Nẵng kiểm soát được Covid-19 thì quán mới có thể hoạt động.

“Từ ý tưởng ấy, tôi liên hệ với Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng để tìm hiểu, tham khảo các mô hình phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật. Mô hình quán cà phê đã được nhiều người áp dụng khá thành công.

Người khuyết tật làm việc ở quán là làm việc ở không gian mở, có nhiều cơ hội giao tiếp, gặp gỡ mọi người, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn để mọi người hiểu thêm về họ, để họ không còn tự ti về khiếm khuyết nữa”, anh Tâm tâm sự.

Tại quán cà phê, anh hướng dẫn nhân viên từ cách chào khách, bày tỏ sự cảm ơn, đăng ký ca làm việc đến cách thức phục vụ… Anh tự tìm tòi học thủ ngữ của người khiếm thính và khiếm thanh để thuận tiện giao tiếp, sắp xếp ca làm, vị trí làm hợp lý để phù hợp với sức khỏe của từng người, để bảo đảm các nhân viên vận hành dễ dàng mà không gặp những trở ngại.

Khi thấy các nhân viên đã nhuần nhuyễn các quy trình phục vụ, bán hàng, quán cà phê Angel (đường Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chính thức được khai trương vào tháng 10/2021.

Dù không thể cất lời chào hay trò chuyện nhưng nhân viên lại vô cùng niềm nở, thân thiện với khách, luôn cúi chào, cảm ơn khách một cách chân thành. Ở nơi đây, mọi người không cần nói năng, chỉ cần dùng bàn tay là ngôn ngữ và sự im lặng trở nên có giá trị.

Ngôi nhà thứ 2 của những người “đặc biệt”

Bà Đặng Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội Người Khuyết tật TP Đà Nẵng - cho biết, Hội có kết hợp để giới thiệu người khuyết tật vào quán cà phê làm việc. Đây là một mô hình hay nếu có thể duy trì được lâu dài vì tạo được việc làm ổn định cũng như tạo cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật khiếm thính, câm điếc.

Mỗi buổi sáng, Lê Đỗ Đinh Kha (27 tuổi, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lại tất bật rót trà mời khách, dọn món, lau bàn, chỉnh lại ghế sau khi khách rời đi… Nhìn hình ảnh cậu thanh niên gầy gò, thân thiện và lễ phép, luôn cúi gập người chào khách, không ai biết được rằng Kha bị khiếm thính bẩm sinh.

Qua những ngôn ngữ ký hiệu tay, Kha cho tôi biết, Kha từng có thời gian làm thêm vào cuối tuần ở một quán cà phê gần nhà nên Kha cũng không mất quá lâu để bắt nhịp với công việc. Là người duy nhất khiếm khuyết trong gia đình nên đôi lúc Kha mang mặc cảm. Thế nhưng, việc được đi làm, có nguồn thu nhập giúp anh tự tin hơn.

Còn đối với anh Lê Phú Tài, do khiếm khuyết của bản thân, ngày trước anh chủ yếu ở nhà. Dù thời gian làm việc tại đây chưa nhiều nhưng bản thân anh luôn cảm nhận được sự sẻ chia từ quản lý tới những đồng nghiệp cùng cảnh ngộ. Sau những tự ti, bỡ ngỡ ban đầu, anh thực sự tìm được niềm vui ở nơi này.

“Những ngày đầu, tôi rất lúng túng vì chưa quen việc nhưng được mọi người hướng dẫn nên cũng dần quen việc. Các anh chị em trong quán dần như những thành viên trong gia đình, quan tâm, chăm sóc nhau. Quán cà phê này như gia đình thứ hai của tôi. Tôi cũng mong chờ tháng lương đầu tiên để có thể mang về tặng cho bố mẹ”, Tài chia sẻ thông qua thủ ngữ.

Anh Trần Đình Tâm - chủ quán cho hay, những ngày đầu khi quán mới hoạt động cũng có nhiều khách không biết nhân viên bị khiếm thính nên cũng phàn nàn. Lúc đó, anh Tâm phải giải thích nhẹ nhàng để khách hiểu và cảm thông với các bạn hơn.

“Trước đây, tôi cũng biết đôi chút thủ ngữ khi tham gia các hoạt động thiện nguyện. Sau này, khi quyết định mở quán, tôi đầu tư học thêm qua Internet để trò chuyện với các bạn. Các nhân viên là người bình thường ở quán cũng được yêu cầu phải học ngôn ngữ kí hiệu để trò chuyện, thảo luận công việc với các bạn khác”, Tâm cho biết.

Những ngày này, vừa vận hành quán, anh Tâm vừa tiếp tục bổ sung và hoàn thiện mô hình kinh doanh. Chỉ tay lên những mảng tường lớn, anh Tâm dự định làm những bức tranh lớn dạy thủ ngữ đơn giản để khách đến quán có thể xem và trò chuyện với nhân viên.

Anh Tâm cho rằng, trong tương lai anh muốn ấp ủ và nhân rộng mô hình chuỗi cà phê tạo việc làm cho người khuyết tật ở Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận. Qua đó, tạo thu nhập cho những người khiếm khuyết và giúp họ hòa nhập với cuộc sống, bớt mặc cảm và tự ti với bản thân.

Những người khách từng đến đây đều rất thích thú với quán cà phê này. Bởi khoảng cách tưởng rất lớn giữa các nhân viên khiếm thính với khách nay bỗng dưng bé lại, thậm chí chỉ bằng một nụ cười, một ánh mắt bao dung và yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.