Điểm tựa vững chắc của học sinh nghèo

GD&TĐ - Hiện, bộ đội Biên phòng An Giang đang nhận hỗ trợ, đỡ đầu 68 học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo các mô hình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” và “Mẹ đỡ đầu”.

Đại úy Hoàng Văn Trường hướng dẫn Phương học bài.
Đại úy Hoàng Văn Trường hướng dẫn Phương học bài.

Việc làm thiết thực này của những người lính Cụ Hồ đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho trẻ em nghèo nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. 

Những người mẹ thứ hai

Khác với những năm trước, từ học kỳ II năm học 2021 - 2022 này, chị Lê Thị Hiển, trú tại xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc (An Giang) không còn phải lo lắng đến khoản chi phí mua sách vở, quần áo, cũng như đóng học phí cho con trai mình. Bởi, từ giữa tháng 2 vừa rồi, em Dương Minh Tiến, người con thứ ba của chị đã được cán bộ Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng An Giang nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng.

Hiện tại, Tiến đang học lớp 3 Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi (xã Vĩnh Tế). So với bạn bè cùng trang lứa, gia cảnh của em thuộc diện khó khăn hơn cả. Đã vậy tháng 12/2021, bố Tiến không may bị nhiễm Covid-19 và qua đời. Mất đi trụ cột, mọi việc trong gia đình đều một mình người mẹ cáng đáng. May mắn thời gian qua, thương cảm với hoàn cảnh của gia đình Tiến, hàng xóm sống tại ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế hàng tháng đều hỗ trợ chị Hiển những cân gạo, con cá, bó rau nên cuộc sống cũng đỡ cực phần nào. Đặc biệt khi Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng An Giang nhận đỡ đầu Tiến đã kịp thời sẻ chia một phần khó khăn với chị Hiển trong việc lo cho con đến đường.

Theo chia sẻ của Đại uý Mai Hồng Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng An Giang, trong quá trình tìm hiểu để triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu”, hội nhận thấy Tiến là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả. Vì vậy với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với chị Hiển và giúp Tiến tiếp tục đến trường, yên tâm học tập, Hội đã quyết định nhận đỡ đầu cháu đến khi học hết lớp 9.

“Tiến là trường hợp đầu tiên mà Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng An Giang nhận giúp đỡ theo mô hình “Mẹ đỡ đầu”. Chúng tôi mong rằng, với sự hỗ trợ này sẽ là nguồn động viên giúp cháu nỗ lực hơn trong học tập và cố gắng vượt qua những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”, Đại uý Mai Hồng Nga cho hay.

Nhắc đến sự giúp đỡ của lực lượng Biên phòng, chị Lê Thị Hiển xúc động: “Thu nhập từ công việc buôn bán ve chai tiết kiệm lắm chỉ đủ chi tiêu qua ngày của 4 mẹ con. Vì thế, khi biết tin cháu được các cô Biên phòng nhận đỡ đầu tôi vui lắm. Thật sự nếu không có sự hỗ trợ này thì việc đến trường của con trai tôi thời gian tới sẽ không biết ra sao nữa…”.

Ngồi bên cạnh mẹ, Tiến vui vẻ nói: “Mẹ con thường bảo các cô Biên phòng chính là người mẹ thứ 2 của con. Nhờ các mẹ Biên phòng mà việc đến trường của con không bị dang dở. Con luôn tự nhủ sẽ cố gắng học tập thật tốt, để không phụ lòng mong mỏi của mẹ Hiển và các mẹ Biên phòng”.

Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng An Giang nhận đỡ đầu em Tiến đến khi em học hết cấp II.
Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng An Giang nhận đỡ đầu em Tiến đến khi em học hết cấp II.

Niềm vui tại “ngôi nhà mới”

Thấm thoắt đã hơn 3 năm từ ngày em Nguyễn Duy Phương (lớp 7 Trường Trung học cơ sở Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (bộ đội Biên phòng An Giang) nhận nuôi. Từ cậu bé nhút nhát thuở nào, giờ đây em đã hòa nhập được với cuộc sống tại một đơn vị quân đội. Phương rất lễ phép và tự tin giao tiếp với mọi người.

Được biết, trước khi được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương nhận nuôi theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, Phương có hoàn cảnh rất đáng thương. Mồ côi mẹ từ nhỏ, bố Phương mặc dù bệnh tật nhưng ngày ngày vẫn đi bán vé số để chăm lo cho Phương. Tại đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Phương được bố trí chỗ ngủ nghỉ, sinh hoạt, có góc học tập riêng và các đồ dùng, phương tiện sinh hoạt cần thiết. Những người bố nuôi Biên phòng luôn cố gắng tạo không khí thật đầm ấm cho Phương.

Sống tại “gia đình mới”, ngoài thời gian học tập ở trường và tự học ở nhà, Phương còn tham gia hoạt động cùng với cán bộ, chiến sĩ như: Buổi sáng tập thể dục, buổi chiều cùng cán bộ, chiến sĩ chăm sóc vườn rau, tăng gia sản xuất, quét dọn sân... Qua đó, đã rèn luyện cho Phương thêm kỹ năng sống, cuộc sống nền nếp lành mạnh của một người lính. Giờ đây, mọi việc như vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, quần áo đều được Phương chủ động thực hiện. Đặc biệt, dưới sự quan tâm, hướng dẫn của những người bố nuôi Biên phòng, thành tích học tập của Phương đã không ngừng tiến bộ. Trong 3 năm qua, học lực của Phương đứng tốp đầu của lớp.

Theo chia sẻ của Đại úy Hoàng Văn Trường, Chính trị viên phó đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, hiểu được hoàn cảnh của cháu Phương từ bé đã thiếu thốn tình thương của người thân nên tôi và anh em trong đơn vị luôn cố gắng kèm cặp, hướng dẫn cháu trong học tập cũng như rèn luyện bản thân. Trừ những ngày đi công tác, còn lại những lúc rảnh rỗi anh em thường xuyên chỉ bảo, trò chuyện với Phương, để cháu cảm nhận được tình cảm gần gũi, thân mật, coi đơn vị là gia đình thứ hai của mình. Đến nay, cháu Phương đã tiến bộ rõ rệt về thể chất, tinh thần cũng như trong học tập.

Ông Nguyễn Duy Tùng, bố Phương, nói: “Biết tin các anh Biên phòng nhận cháu làm con nuôi, bản thân vui lắm. Tôi cảm thấy rất an tâm bởi được sự chăm sóc, nuôi dưỡng của các anh Biên phòng, cháu sẽ có điều kiện phát triển toàn diện, học tập tốt hơn để cuộc sống sau này đỡ vất vả. Từ khi sống với các anh Biên phòng, nghe thầy, cô giáo cho biết, cháu chăm ngoan, học tập tiến bộ hơn trước nên tôi rất mừng và tin tưởng rằng cháu sẽ có một tương lai tươi sáng”.

Thượng tá Lê Hoàng Việt, Phó Chính ủy bộ đội Biên phòng An Giang, cho biết: “Ngoài nhận đỡ đầu 63 học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Mẹ đỡ đầu”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng An Giang còn nhận nuôi dưỡng 5 cháu tại các đồn Biên phòng theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Chúng tôi luôn mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều tổ chức, đơn vị đồng hành cùng chương trình để lan tỏa những giá trị tốt đẹp và tiếp thêm động lực cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn đến trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ