Chở che ước mơ đến trường

GD&TĐ - Từ hiệu quả tăng gia sản xuất và đóng góp tự nguyện, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã giúp nhiều em nhỏ khó khăn, viết tiếp những ước mơ đến trường.

Lãnh đạo bộ đội Biên phòng Sóc Trăng trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho các em học sinh nghèo.
Lãnh đạo bộ đội Biên phòng Sóc Trăng trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho các em học sinh nghèo.

Ấm áp vòng tay “mẹ đỡ đầu”

Trước đây, do ở quê không có việc làm nên cha mẹ Huỳnh Bảo Lâm (sinh năm 2017) trú tại khóm Đai Rụng, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã lên TPHCM làm công nhân. Tuy nhiên tháng 8/2021, người cha không may qua đời vì nhiễm Covid-19. Từ ngày người cha yêu quý ra đi mãi mãi, Lâm được bà nội chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tuy nhiên, gia đình bà nội thuộc hộ nghèo nên cuộc sống của hai bà cháu gặp không ít khó khăn, vất vả.

Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn đó, tháng 4/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã hỗ trợ, giúp đỡ Lâm theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Cũng từ đây, cuộc sống của Lâm như được viết tiếp những trang mới khi em có thêm những người mẹ đặc biệt là cán bộ Biên phòng. Từ khi được nhận đỡ đầu ngoài tặng sách vở, quần áo, mỗi tháng Lâm được các mẹ Biên phòng hỗ trợ 300 ngàn đồng.

Lâm bộc bạch: “Vừa rồi con được cô chú Biên phòng tặng nhiều quà cho con và bà nội lắm, nào là dụng cụ học tập, rồi quần áo, sữa, gạo… Bà nội con bảo từ giờ còn có thêm những người mẹ chính là các cô bộ đội Biên phòng nên con rất vui. Con sẽ nỗ lực để học tập thật giỏi”. Ngồi bên cạnh cháu nội mình, bà Lê Thị Phất xúc động: “Biết tin cháu được nhận đỡ đầu tôi và con dâu vui mừng lắm. Cảm ơn các cô chú Biên phòng đã quan tâm giúp đỡ, nhận nuôi để cháu nó có cuộc sống tốt hơn, được đến trường như bạn bè cùng trang lứa”.

Theo chia sẻ của Đại úy Lê Thanh Nhanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, khi triển khai chương trình thấy được ý nghĩa của việc làm này nên các chị em trong hội hưởng ứng rất nhiệt tình. Số tiền hỗ trợ hàng tháng cho cháu Lâm tuy không nhiều nhưng mong rằng tình cảm đó sẽ động viên, giúp cháu vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập.

“Chúng tôi cũng mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều tổ chức, đơn vị đồng hành cùng chương trình để giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh, giúp đỡ các cháu đến trường học tập như bao bạn cùng trang lứa. Riêng đối với cháu Lâm dự kiến hội sẽ nhận đỡ đầu từ nay đến năm 2026”, Đại úy Nhanh cho hay.

Em Huỳnh Bảo Lâm cùng bà nội vui mừng khi nhận những món quà từ người lính Biên phòng.
Em Huỳnh Bảo Lâm cùng bà nội vui mừng khi nhận những món quà từ người lính Biên phòng.

Tiếp thêm động lực cho học sinh mồ côi

Tại khu vực biên giới biển thị xã Vĩnh Châu, nhắc đến hoàn cảnh của em Tiền Thanh Vũ (sinh năm 2008) hiện đang học lớp 7, Trường Trung học cơ sở Phường 2, người dân trên địa bàn Phường 2 không ai là không khỏi thương xót. Từ khi sinh ra, Vũ đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi, chưa đầy 1 tuổi bố em qua đời vì căn bệnh HIV, đến 5 tuổi người mẹ cũng ra đi mãi mãi. Bản thân Vũ cũng bị lây nhiễm căn bệnh HIV quái ác.

Theo chia sẻ của Đại uý Nguyễn Văn Đen, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vĩnh Châu, qua công tác nắm bắt địa bàn, cuối năm 2016, đơn vị quyết định nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ hàng tháng mỗi em 500 ngàn đồng theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. “Riêng trường hợp của Vũ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bản thân lại phải chống chọi với căn bệnh thế kỷ nên anh em trong đơn vị cũng rất quan tâm. Anh em thường xuyên đến nắm tình hình và động viên cháu để cháu không nghỉ học giữa chừng”, Đại uý Đen cho hay.

Tâm sự với chúng tôi, Vũ rưng rưng: “Thấy bà ngoại vất vả, nhiều lần cháu có ý định nghỉ học để cho bà đỡ khổ, nhưng lúc đó, bà ngoại lại động viên cháu phải cố gắng học tập để có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhất là từ khi được các chú bộ đội nhận đỡ đầu, tặng cháu cặp, sách, bút và hỗ trợ tiền học hằng tháng đã giúp giảm bớt gánh nặng cho bà trong việc lo cho cháu đến trường học. Các chú Biên phòng đã động viên, giúp đỡ cháu và bà ngoại rất nhiều. Mỗi lần các chú đến thăm, cháu luôn hứa sẽ cố gắng chăm chỉ học tập thật giỏi để không phụ lòng các chú”.

Được biết, ngoài việc hỗ trợ về vật chất và động viên về tinh thần, mỗi lần bước vào năm học mới, cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Châu đã đến gặp gỡ, trò chuyện với các thầy, cô giáo ở trường về hoàn cảnh của Vũ, với mong muốn mọi người hiểu và thông cảm để không xảy ra trường hợp bạn bè xa lánh khiến em cảm thấy tủi thân khi đến trường. “Học tập tại trường, thầy cô và các bạn cùng lớp, cùng trường rất quý mến và thông cảm với hoàn cảnh của cháu Vũ. Ở trường, Vũ cũng là một tấm gương sáng đầy nghị lực để cho các bạn khác noi theo. Những năm qua, thành tích học tập của cháu luôn xếp vào tốp đầu của lớp”, Đại uý Nguyễn Văn Đen cho hay.

Ngồi bên cạnh cháu ngoại, bà Sơn Thị Hồng (sinh năm 1954) bùi ngùi nói: “Mỗi lần cho cháu uống thuốc mà tôi không cầm được nước mắt. Không biết những năm tháng tới đây sẽ ra sao, bởi căn bệnh đó có thể cướp cháu đi bất cứ lúc nào. May mắn sống ở đây, gia đình tôi luôn được bà con hàng xóm và chính quyền địa phương quan tâm, chia sẻ và động viên rất nhiều. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các chú Biên phòng là một động lực lớn lao giúp bà cháu tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”.

Đại tá Lê Văn Anh, Phó Chính ủy, bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, cho biết: “Hiện tại, đơn vị đang nhận đỡ đầu 36 học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng. Đối tượng nhận đỡ đầu là các cháu từ lớp 1 đến lớp 12 đang học tập trên khu vực biên giới của tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ… Chương trình thực sự khẳng định được tính nhân văn, sự đoàn kết, gắn bó của cán bộ, chiến sĩ với nhân dân trên địa bàn, được các cấp, các ngành địa phương ghi nhận và ủng hộ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.