Chật vật mưu sinh, Y Cảnh vẫn muốn tới trường

GD&TĐ - Mẹ mất sớm, bố có mái ấm riêng, Y Cảnh phải chật vật cày thuê, cuốc mướn để mưu sinh và chăm sóc cho bà ngoại đã già yếu. Y Cảnh muốn được đi học nhưng vì hoàn cảnh nên đành dừng bước.

Căn nhà tuềnh toàng nơi Y Cảnh và bà ngoại ở bên cạnh ngôi nhà vừa bị lửa thiêu rụi.
Căn nhà tuềnh toàng nơi Y Cảnh và bà ngoại ở bên cạnh ngôi nhà vừa bị lửa thiêu rụi.

Lửa thiêu trụi ngôi nhà tồi tàn

Một ngày giữa tháng 3 nắng cháy, Y Cảnh (SN 2006, thôn 4, thị trấn Đắk Rve, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) cùng bà ngoại là Y Đen ngồi thẫn thờ trước căn nhà tuềnh toàng. Y Cảnh vẫn chưa hết buồn bã, bần thần nhìn đống tro tàn còn sót lại sau khi căn nhà của mình bị cháy rụi.

Mấy ngày qua, sau khi căn nhà bị cháy, Y Cảnh chuyển sang ở cùng bà ngoại. Nói là chuyển nhà, nhưng Y Cảnh chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người. Còn toàn bộ tài sản đã bị ngọn lửa thiêu rụi.

Y Cảnh kể: “Cách đây ít hôm, khi em đang làm thì hàng xóm chạy đến báo nhà bị cháy. Lúc em chạy về đến nơi thì căn nhà đã không còn. Dưới đất chỉ còn lại tro và bốn chiếc cột nhà đang cháy dở. Em bất lực ngồi nhìn ngọn lửa nuốt trọn căn nhà. Trong ngôi nhà đó không có tài sản gì giá trị ngoài vài bộ quần áo đã cũ cùng bộ xoong nồi. Nhưng đó là kỷ niệm và tài sản duy nhất trước khi mẹ mất đã để lại cho em”.

Y Cảnh cho hay, mẹ mất khi em đang còn nhỏ. Sau đó, bố có cuộc sống riêng nên cũng không thường xuyên về thăm em. Từ đó, em ở dưới căn nhà của mẹ để lại, bên cạnh nhà bà ngoại. Cuộc sống khó khăn, nghèo đói nên em không có điều kiện để tiếp tục đến trường. Khi đã lớn hơn, em theo người dân trong làng đi làm thuê. Khi thì nhổ mì, cuốc cỏ…, lúc túng việc thì ai thuê gì em đều nhận làm để có tiền lấp đầy chiếc bụng đói. Tối về, cậu bé lủi thủi nấu cơm dưới căn nhà nhỏ rồi “lăn” ra ngủ. Hôm nào đi làm về mệt, Y Cảnh qua ăn chung với bà ngoại.

“Nhà không có nương rẫy, em lại đang còn nhỏ nên ít người thuê đi làm. Mỗi khi có người cần, việc gì em cũng có thể làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi ngày em làm được khoảng 100.000 đồng, hôm nhiều thì được 120.000 đồng. Những ngày mưa, không có việc em quanh quẩn ở nhà với bà. Công việc bấp bênh, em chỉ lo nhà hết gạo, hai bà cháu không có gì ăn”, Y Cảnh chia sẻ.

Y Cảnh và bà ngoại thẫn thờ sau khi ngôi nhà bị cháy.
Y Cảnh và bà ngoại thẫn thờ sau khi ngôi nhà bị cháy.

Y Cảnh vẫn muốn được đến trường

Sau khi căn nhà rách nát của Y Cảnh bị ngọn lửa cướp mất, em qua ở với bà ngoại. Nói là nhà, nhưng nơi ở của hai bà cháu chẳng có gì giá trị ngoài mấy chiếc nồi đã cháy đen và tấm chiếu cũ. Căn nhà cũng không có nổi chiếc cửa ra vào.

“Nhà tôi có gì giá trị đâu nên có cửa cũng như không. Cánh cửa nhà bị hư lâu lắm rồi, tôi dựng trước nhà chứ chẳng cần sửa sang. Tôi già rồi, không ai thuê nên tháng chỉ đi làm được vài hôm. Bản thân còn phải nhờ cháu nên chẳng có tài sản gì để lo cho Y Cảnh. Thương cháu lắm, nhưng tôi không biết làm gì khác”, bà Y Đen tâm sự.

Y Cảnh cho hay, em cũng muốn được đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không cho phép em tiếp tục hành trình tìm con chữ.

“Thấy cuộc sống em khó khăn, nhiều người rủ em đi làm xa nhà để kiếm thêm thu nhập. Nhưng em đều từ chối vì còn phải ở nhà chăm bà. Mẹ em đã bỏ em mà đi rồi, em còn mỗi bà ngoại là chỗ nương tựa. Em chỉ mong bà thật khỏe mạnh, sống mãi với em”, Y Cảnh nói.

Bà Đinh Thị Sương, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk R’ve cho biết, hoàn cảnh của em Y Cảnh rất khó khăn. Mẹ của Y Cảnh mất đã lâu, bố của em thì có gia đình riêng nên lâu lâu mới về thăm. Hoàn cảnh cơ cực nên Y Cảnh đã nghỉ học từ lâu.

Theo bà Sương, vừa qua căn nhà của Y Cảnh bị cháy. Nắm được thông tin, địa phương đã đến động viên, hỗ trợ vật tư, gạo… để em vượt qua khó khăn trước mắt.

Cũng theo vị chủ tịch thị trấn, nắm được hoàn cảnh khó khăn của em Y Cảnh nên chính quyền địa phương đã và đang kêu gọi các ban ngành, đoàn thể, mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ. Sau khi có kinh phí, địa phương sẽ tiến hành xây dựng lại cho Y Cảnh căn nhà mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ