Bà lão định đầu độc bầy con đã qua đời, 6 người con điên lên đường "đi trại"

Bà Nguyễn Thị Lực, người mẹ của 6 người con tâm thần từng khiến cộng đồng thương xót bởi câu chuyện "mong cho các con một bữa no rồi cùng nhau chết" đã trút hơi thở cuối cùng...

Những người con điên của bà Lực
Những người con điên của bà Lực

Bà Lực "quản lý" con điên dại bằng trói vào gốc cây

Mẹ già và dự định kết liễu 6 người con bằng thuốc ngủ 

Gần 50 năm trước, bà Nguyễn Thị Lực từ vùng đất Hà Nam theo chồng đi kinh tế mới và cư trú tại xã Phụ Khánh (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đến bây giờ. Kết hôn xong, bà đẻ một lèo cho chồng những 9 người con. Trộm vía khi những đứa con của bà ngày qua ngày cứ lớn nhanh như thổi, phổng phao dù khoai sắn bữa đầy, bữa vơi.

Con điên dại, bà Lực chỉ biết "quản lý" bằng dây trói. Ảnh: Đời sống Việt Nam
Con điên dại, bà Lực chỉ biết "quản lý" bằng dây trói. Ảnh: Đời sống Việt Nam

Cuộc sống cứ tưởng như thế là viên mãn thì tai họa chẳng biết từ đâu cứ liên tiếp ập xuống. Trong số những đứa con ấy, có đến 6 đứa cứ đến tuổi lên bảy, lên tám là lại bỗng nhiên phát bệnh, người đờ ra, mắt dại đi rồi ngớ ngẩn, tâm thần.

Chồng bà Lực là cán bộ, đẹp trai, cao ráo. Nghe người thân có kể lại, trước đây ông cũng tham gia đánh giặc rồi đi qua vùng địch rải chất độc da cam nên bây giờ các con mới thành cả ra như vậy.

Phải cái, ông sức khỏe yếu, tuổi mới lục tuần đã ốm đau liên miên rồi nghe đâu vì tức đàn con “to đầu mà dại” nên ông tái phát căn bệnh tim qua đời. Chắc có lẽ ông lão hiểu được sức khỏe của mình nên trước khi chết có gọi bà lại dặn dò 3 việc.

Người con út hay đi nên bà Lực phải cột chân vào gốc cây. Ảnh: Đời sống Việt Nam
Người con út hay đi nên bà Lực phải cột chân vào gốc cây. Ảnh: Đời sống Việt Nam

Việc thứ nhất, ông dặn, làm tang cho ông, bà không được vay mượn thêm. Ai cho vay cũng từ lắc đầu, bán mấy cây xoan trước nhà đi để có tiền lo ma chay. Hai là chôn ông ở vườn nhà cho đỡ tốn kém, mà ông còn quanh quẩn được bên vợ con, ông trông chừng mấy đứa con cho bà làm lụng kiếm cháo kiếm rau, chứ không ai trông con, nhỡ nó ra đường xe tông, ra suối ra ao chết đuối.

Còn nữa, điều thứ ba có lẽ là đau đớn nhất, ông nói trong nước mắt nghẹn ngào rằng mấy năm ông đi viện, người ta cho thuốc ngủ với thuốc giảm đau nhưng ông không dùng đến mà cất cẩn thận. Ông dặn vợ khi nào sức cùng, lực kiệt, không nuôi nổi 6 người con tâm thần thì cho chúng ăn một bữa no nê sau đó dồn hết chỗ thuốc ngủ ông để lại cho con uống để chúng đi cùng bà một lần.

Hình ảnh bà Lực bên bầy con điên dại của mình được ghi lại trước đó. Ảnh: Đời sống Việt Nam
Hình ảnh bà Lực bên bầy con điên dại của mình được ghi lại trước đó. Ảnh: Đời sống Việt Nam

Căn dặn vợ xong 3 điều thì ông chết, bà nhớ lời dặn dò bán xoan lấy tiền lo ma chay cho chồng, chôn cất ông tử tế ở vườn nhà nhưng điều thứ 3 ông dặn thì bà không làm được.

Ông mất, bà ở lại rau cháo nuôi đàn con tâm thần của mình. Có người ái ngại hoàn cảnh khuyên bà nên đưa chúng vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng bà gạt đi. Bà bảo bao nhiêu năm tháng nên quen rồi, giờ thiếu chúng thì bà không sống nổi. Tuổi bà thì càng ngày càng cao, cho chúng vào đấy rồi không sao đi thăm được. 

Bữa ăn của bà Lực và các con
Bữa ăn của bà Lực và các con

Cứ như thế, những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, bà vẫn một mình chăm bẵm những đứa con bất hạnh. Câu chuyện năm ấy được báo chí khai thác và đăng tải đã chạm đến trái tim của hàng triệu người. Họ tìm về, ủng hộ, quyên góp để bà và các con có được ngôi nhà khang trang, để cuộc sống bớt đi những nhọc nhằn những năm tháng cuối đời.

Khi qua đời, bà Lực dặn dò các con nếu không nuôi được thì gửi những người con không may của mình vào trung tâm bảo trợ xã hội
Khi qua đời, bà Lực dặn dò các con nếu không nuôi được thì gửi những người con không may của mình vào trung tâm bảo trợ xã hội

Đám tang đau xót

Ngày trước, nơi bà và 6 đứa con tâm thần sống đâu có gì. Bốn phía vách đất đều đổ sập được che tạm bợ lại bằng bao nilong hoặc tấm bờ rô xi măng. Giờ đây, nhờ những tấm lòng thơm thảo, căn nhà ấy khang trang, chắc chắn hơn rất nhiều nhưng bà chẳng có cái phước được ở trong căn nhà ấy lâu.

Ngôi nhà mới khang trang của gia đình bà Lực được những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ xây dựng

Ngôi nhà mới khang trang của gia đình bà Lực được những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ xây dựng

Có lẽ sau bao năm lăn lộn, gồng gánh nuôi 6 người con khiến sức bà đã tàn. Năm 2019, bà sức khỏe yếu dần rồi nằm bẹp một chỗ, không đi đâu được. Bà đổ bệnh gần 1 năm thì mất. Vài hôm trước, hàng xóm láng giềng vạ họ hàng gần xa đã đưa bà về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người thân bà kể lại, bà khổ đến cuối đời vẫn chưa hết khổ. Bệnh tật chỉ nằm một chỗ khiến lúc bà mất từng mảng thịt đã hoại tử ăn vào tận đến xương. Cả một đời cực khổ cho đến lúc nhắm mắt thân thể vẫn không được toàn vẹn.

Lúc biết mình sắp về bên kia thế giới, bà gọi người thân lại khẩn khoản dặn dò khi bà mất rồi cố gắng thay bà nuôi dưỡng anh chị em bị bệnh, anh em máu mủ ruột già có gì thì rau cháo thương nhau.

Người con trai lớn của bà Lực mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ

Người con trai lớn của bà Lực mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ

Ý nguyện của bà là như vậy tuy nhiên bà vẫn gửi lại cho các con một chữ “nhưng”. "Nhưng nếu không có khả năng nuôi được thì cho những người con ấy vào trong trung tâm bảo trợ xã hội", bà dặn người thân như vậy. 

Hàng xóm kể lại, trần đời chưa thấy đám tang nào đau xót như đám tang bà Lực. Khi bà Lực nhắm mắt, cả thảy 6 người con mắc bệnh của bà chẳng ai nào bộc lộ một chút cảm xúc tiếc thương cho người mẹ tội nghiệp. Họ vẫn nói, cười, nô nghịch...

Thậm chí, lúc đưa bà về nơi an nghỉ, con bà có người vẫn mải ra đồng chăn bò. Hàng xóm bắt về để tiễn đưa mẹ thì hét toáng lên, phản kháng vô cùng dữ dội. 

Bà Lực qua đời khiến cuộc sống của những người con trở nên chông chênh
Bà Lực qua đời khiến cuộc sống của những người con trở nên chông chênh

Bà Lực mất được 3 ngày, người thân xa gần đã nán lại để họp bàn về tương lai bày con không may mắn của bà Lực. Hai luồng ý kiến được đưa ra để quyết định cuộc sống tiếp theo của 6 người con tâm thần ấy. Ý kiến đầu tiên là phân công nhau tiếp tục chăm sóc 6 người lý do được đưa ra là “dù gì cũng là ruột thịt, sống với nhau bao nhiêu năm rồi giờ đưa đi không nỡ”.

Ở ý kiến thứ hai, mọi người cân nhắc khả năng đưa cả 6 người vào trong trung tâm bảo trợ xã hội. Trước đây, khi biết đến hoàn cảnh của bà Lực và các con, nhiều trung tâm, nhà từ thiện đã ngỏ ý giúp đỡ bằng cách đặt vấn đề như trên nhưng bà Lực không đồng ý.

Gia đình đang tính đến phương án gửi những người con của bà vào trong trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc tốt hơn
Gia đình đang tính đến phương án gửi những người con của bà vào trong trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc tốt hơn

Người thân nói rằng, có những người từ mãi miền trong gọi điện ra ngỏ ý muốn giúp đỡ. Họ bảo chỉ cần gia đình đồng ý sẽ bay ra đưa 6 người con của bà Lực vào đó luôn. Tuy nhiên lúc đó bà Lực vẫn còn sống, vẫn còn có thể gắng gượng những năm tháng cuối cùng của cuộc đời để chăm các con nên bà gạt đi. “Bà bảo nếu các con đi vào trong đó thật thì chắc chắn bà sẽ mất con bởi tuổi cao sức yếu bà không đi thăm nom được”, một người thân của bà Lực cho biết.

Những người con vẫn nói cười, nô nghịch trong vô thức khi mẹ qua đời

Những người con vẫn nói cười, nô nghịch trong vô thức khi mẹ qua đời

Thông tin chúng tôi vừa nhận được, sau khi tiến hành họp bàn, suy tính, gia đình đã đi đến quyết định gửi 6 người con mắc bệnh tâm thần của bà Lực vào Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Phú Thọ (có địa chỉ tại huyện Đoan Hùng).

"Hiện gia đình đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ liên quan và đang chờ đợi chính quyền xã phê duyệt. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ thay nhau chăm sóc cho 6 người. Căn nhà và số tiền các nhà hảo tâm quyên góp, giúp đỡ chúng tôi cũng bàn giao lại hết cho UBND xã Phụ Khánh để chính quyền quyết định", người nhà bà Lực thông tin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).